Từ câu chuyện trong truyền thuyết...
Truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa vùng đất của người Ma Coong đang ở xuất hiện một con khỉ ác màu vàng, hằng đêm nó thường vào rẫy của bà con dân bản ăn ngô, lúa… bao nhiêu lương thực thực phẩm được làm ra thì bị con khỉ ác cướp đi, đời sống người Ma Coong vì thế triền miên đói khổ…
Để bảo vệ mình, bảo vệ bản làng người dân đã dùng mọi cách nhưng con khỉ ác vẫn cứ thế tấn công. Già làng nghĩ ra một cách là dùng tiếng chiêng, trống đánh lên khi phát hiện con khỉ ác này. Một hôm, khỉ ác tìm đến bản, bà con phát hiện nên đã khua chiêng, đánh trống tạo nên âm thanh vang vọng làm con khỉ ác khiếp sợ và bỏ đi mãi mãi, từ đó người làm được mùa, con cháu không còn đau ốm nữa.
Để nhớ công lao vị già bản tiên tổ người Ma Coong và cầu cho bốn mùa làm ăn thuận lợi, hàng năm họ tổ chức việc cúng tế linh đình dâng lên thần linh những của ngon vật lạ sinh lợi được trên vùng đất họ ở. Hoạt động ấy dần trở thành một lễ hội lớn của người Ma Coong ở đây. Lễ hội đập trống của người Ma Coong có từ khi đó.
Để căng mặt trống người ta phải lên rừng kiếm những sợi mây già đem về vót rồi luộc thật kỹ, mây càng luộc lâu sợi của nó trở thành nguyên liệu tự nhiên vô cùng bền chắc. Những cây tre già dài và thẳng đã được dựng thành chiếc lán nhỏ để treo trống hội, ai cũng muốn góp sức chuẩn bị mọi công việc thật tươm tất để lễ hội đập trống được diễn ra tốt đẹp.
Từ đó, hàng năm cứ vào ngày trăng tròn tháng Giêng, đồng bào tổ chức lễ hội đập trống mừng mùa trăng mới cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt, và tiếng trống hội càng vang xa mùa màng càng bội thu sẽ đến với bà con người Ma Coong cùng với đó là một năm mới nhiều may mắn cho bản thân và gia đình mình.
...đến một lễ hội độc đáo giữa đại ngàn
Để chuẩn bị cho Lễ hội đập trống, người dân phải chuẩn bị trước gần cả năm trời. Họ ngăn con suối Aky chảy qua bản để vào đúng hội, họ đánh bắt được những con cá to làm mâm cỗ trong lễ khai hội. Những thanh niên trai tráng lực lưỡng được phân công hoàn thiện chiếc trống hộp, với kỹ thuật và kinh nghiệm lâu đời họ chọn tấm da bò, da sơn dương đẹp nhất rồi đem luộc dằn mặt trống thật kỹ.
Khi trăng lên ngửa đầu là lúc vào giờ khai lễ. Già làng đọc lời khấn cầu trời đất phù hộ cho dân bản sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu... Già làng phát lệnh bằng 1 hồi trống và sau đó người dân Ma Coong dùng các đoạn cây gỗ để cố gắng đánh vào tang trống.
Họ vừa đánh vừa hát vừa uống rượu và nhảy múa theo nhịp trống và la vang câu "Roa lữ Giàng ơi"- dịch nghĩa: Sướng quá trời ơi - cho đến khi mặt trống bị thủng thì phần hội kết thúc. Trống thủng càng sớm, thanh niên càng mau được dắt tay bạn tình vào rừng tình tự. Chỉ còn những người già, trung niên và trẻ con vui chơi bên bếp lửa, hay nhâm nhi bên ché rượu cần.
Kỳ vọng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn…
Sống giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, người Ma Coong xã Thượng Trạch vẫn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán đặc sắc truyền thống của bà con. Muốn đến bản phải vượt qua không biết bao nhiêu con suối hiểm trở, băng qua hàng chục km đường rừng. Tuy nhiên, được sự đầu tư nên con đường đến với người Ma Coong bây giờ đã thuận tiện và rút ngắn thời gian rất nhiều.
Đi trên con đường 20 Quyết Thắng, chúng ta dễ dàng bắt gặp hành trình của người nước ngoài khám phá Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, họ đến tận những bản làng xa xôi hẻo lánh để khám phá đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người bản địa. Và chính những tập tục cổ xưa đã thu hút du khách quốc tế.
Những năm trước khi chưa xảy ra dịch bệnh, rất nhiều du khách người nước ngoài đã đến tham dự lễ hội đập trống Ma Coong, họ không khỏi ngỡ ngàng và thú vị trước lễ hội đập trống của người Ma Coong. Họ được trải nghiệm khi tham quan Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, được gặp gỡ những người dân bản địa và thấy cuộc sống thực tế của người Ma Coong là điều rất thú vị.
"Tôi cũng nghe kể về những nét văn hóa đặc sắc ở Lễ hội đập trống của người dân tộc nơi đây và đã từng được tham gia nên rất ấn tượng với lễ hội này… một ngày nào đó, tôi sẽ cùng những người bạn ở đất nước tôi trở lại nơi đây và hòa mình vào lễ hội, cùng người dân nhảy múa ca hát theo nhịp trống ấn tượng này"… nữ du khách người Anh tâm sự…
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch chia sẻ: "Trong những năm qua, chúng tôi nhận thấy lượng du khách người nước ngoài đến với bà con Ma Coong ngày một nhiều. Hầu như tất cả du khách đều ấn tượng về con người, nét văn hóa của người Ma Coong. Chính vì thế chúng tôi đã và đang tìm phương án hữu hiệu nhất để thu hút du khách đến tìm hiểu khám phá vùng đất Tân – Thượng Trạch này khi dịch bệnh Covid-19 kết thúc"…
Theo Báo Tổ Quốc