Lễ hội Bàn Vương là một lễ hội cổ truyền quan trọng trong đời sống tâm linh người Dao ở Việt Nam. Năm nay, lễ hội Bàn Vương sẽ được tổ chức phục dựng cùng Hội Trà hoa vàng, đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia Miếu Ông – Miếu Bà tại huyện Ba Chẽ của tỉnh Quảng Ninh.
Với chủ đề “Tiếng gọi của tổ tiên nơi cửa biển”, lễ hội sẽ tái hiện hành trình “Vượt biển” của người Dao đến vùng đất mới trên 12 con thuyền rước, tượng trưng cho 12 dòng họ của người Dao đến lập nghiệp tại vùng đất mới. Mỗi con thuyền sẽ đem theo các vật dụng thiết yếu, đặc thù và các loại cây đặc sản như Ba Kích, Trà hoa vàng, cây thuốc nam, cây lương thực và một số loại con giống như chó, lợn, dê, gà, vịt…Đặc biệt, tại lễ hội, du khách còn được tham quan Trại mặt nạ Ka đong - Mặt nạ trong văn hóa tín ngưỡng của người Dao thuộc phương ngữ Mùn.
Trà hoa vàng vốn là loại cây bản địa mọc tự nhiên trong rừng tại huyện miền núi Ba Chẽ, Quảng Ninh.
Hoa và lá của cây trà hoa vàng chứa hơn 400 thành phần dinh dưỡng tự nhiên, các axit amin, nguyên tố vi lượng... là nguồn dược liệu quý.
Hội Miếu Ông - Miếu Bà nhằm tưởng nhớ công ơn của Đức thánh Phù Trần tả tướng quân Lê Bá Đức - người đã có công phù nhà Trần đánh giặc tại Ba Chẽ vào thế kỷ XIII và Mẫu Thượng Ngàn, tương truyền có công dạy người dân miền núi trồng lúa nương, làm ruộng bậc thang.
Di tích Miếu Ông được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ XIII – XIV) gắn liền với sự kiện vua Trần Nhân Tông và Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn thực hiện cuộc rút lui chiến lược về sông Ba Chẽ trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (1285). Miếu Bà thờ Mẫu Thượng Ngàn, một nét văn hóa dân gian truyền thống tốt đẹp của người Việt, thể hiện tỏ lòng biết ơn đến “bà mẹ thiên nhiên”.
Di tích Miếu Ông – Miếu Bà là minh chứng của quá trình chinh phục tự nhiên khai phá vùng đất biên giới phía Bắc Tổ quốc, cũng như công cuộc chống giặc ngoại xâm gìn giữ non sông, bờ cõi của các thế hệ cha ông ta.
Mai Linh / VOV Đông Bắc