Văn hóa

Độc đáo mâm ngũ quả ngày Tết

21:28 - 08/01/2019
Có nhiều giá trị ngày Tết đã thay đổi dần theo năm tháng, chẳng hạn như người ta đã quen với khái niệm “chơi Tết” thay vì “ăn Tết”. Dù vậy, vẫn có những điều bất biến, như việc bày mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ gia tiên.

Đã thành phong tục, cứ vào dịp cuối năm (âm lịch) hằng năm, mỗi gia đình Việt đều bày biện mâm ngũ quả để cúng gia tiên. Trước là bày tỏ lòng thành kính, biết ơn tiên tổ, sau là cầu mong một năm mới bình an, sung túc.

Sở dĩ gọi là mâm ngũ quả là bởi mâm luôn có 5 loại quả, tùy theo từng vùng miền mà có thể thay đổi các loại quả cho phù hợp, nhưng số lượng nhất định phải đủ 5, không thừa, không thiếu, nhằm thuận theo thuyết âm dương ngũ hành gồm 5 thành tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, sâu xa hơn là tượng trưng cho ngũ phúc: phú , quý, thọ, khang, ninh.

Mâm ngũ quả đẹp có thể bày biện theo nhiều cách, có thể khác nhau về hình dáng, màu sắc, hay loại quả của từng địa phương…nhưng đều có chung một ý nghĩa: ngũ quả tượng trưng cho lòng hiếu thảo, biểu tượng cho thành quả của một năm lao động miệt mài để rồi khi xuân về thì thành kính dâng lên ông bà, tổ tiên, cầu mong một năm mới tốt lành, an yên, đủ đầy, vạn vật sinh sôi…

Chung một ý nghĩa thể hiện tấm lòng thơm thảo của con cháu đối với tổ tiên, gia đình, nhưng mỗi vùng miền lại có cách bày biện mâm ngũ quả tương đối đặc thù của ba miền. Chẳng hạn như ở miền bắc, mâm ngũ quả thường có 5 loại quả, trong đó nhất định phải có một nải chuối xanh đặt chính giữa ôm gọn lấy một qủa bưởi (hoặc bòng) phía trên , điểm xuyết giữa những khoảng trống là một vài quả quất (hoặc quýt) nho nhỏ màu cam rực rỡ, hai loại quả còn lại có thể tùy chọn: thanh long, phật thủ, hồng xiêm, xoài…

Sản vật vườn quê miền Bắc có nhiều nét khác biệt với miền Nam, bởi vậy mà mâm ngũ quả ngày Tết miền nam cũng tương đối khác. Không cầu kỳ trong bày biện, người miền nam bày mâm ngũ quả tượng trưng cho niềm mong ước, sự hy vọng. Đó là lý do mà mâm ngũ quả miền nam thường có 5 loại quả: mãng cầu, xoài, dừa, đu đủ và sung, tượng trưng cho năm mới luôn “cầu xài vừa đủ dùng”

Không quá cầu kỳ hình thức như miền Bắc và đủ biểu tượng như miền Nam, mâm ngũ quả miền Trung cũng có nhiều loại quả: chuối, mãng cầu, dưa hấu, dừa, đu đủ, xoài, quất… Tuy nhiên, có thể điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đã tạo nên tính tính chắt chiu, tằn tiện của người miền Trung mà mâm ngũ quả của họ thường thì có gì cúng nấy, chỉ cốt sao hoa quả tươi ngon và con cháu thì thành tâm dâng lễ, ấy là đủ.

Dù trải qua bao biến đổi của thời gian thì trong tâm thức người Việt, ngày Tết vẫn luôn là ngày sum vầy, đoàn tụ. Nhiều giá trị tinh thần dù cuộc sống biến thiên như thế nào đi nữa vẫn không hề thay đổi, như bàn thờ gia tiên bao giờ cũng là nơi thiêng liêng nhất trong mỗi gia đình Việt, đặc biệt trong những ngày Tết đoàn viên. Và mâm ngũ quả tượng trưng cho ngũ hành, ngũ phúc cũng là nét đẹp văn hóa, thể hiện sự trân quý của con cháu đối với những chân giá trị ngàn xưa để lại. 

Bài: Anh Vũ, Ảnh: Báo Mới