Đến với làng đào Nhật Tân vào những ngày này, có thể thấy không khí chuẩn bị cho vụ hoa Tết đang rất khẩn trương. Nhà thì dọn cỏ, vun gốc; nhà thì tuốt lá, tỉa cành; nhà thì đánh cây vào chậu; và có cả những gia đình đang trồng những gốc đào rừng chuẩn bị ghép mắt cho năm sau.
Các vườn đào đang được dọn cỏ, vun gốc
Làng Nhật Tân, nay là phường Nhật Tân thuộc quận Tây Hồ, có hơn 100ha trồng đào. Theo sử sách ghi lại, nghề trồng đào ở đây có từ thế kỷ thứ 7. Giống đào được trồng lâu đời nhất ở Nhật Tân là đào phai, sau đó là đến đào bích. Nhưng hiện nay, đáp ứng nhu cầu thị trường, làng đào Nhật Tân trồng rất nhiều giống đào màu sắc khác nhau. Cũng do nhu cầu thị trường, người trồng đào không chỉ bán đào cành như trước kia, mà thêm cả đào cây, đào thế, rất đa dạng.
Nhiều cây đào đã được đánh vào chậu cho khách đặt hàng từ trước
Gia đình chồng chị Tống Thị Thanh ở Cụm 2 phường Nhật Tân là một gia đình có truyền thống trồng đào. Gia đình chị vẫn trồng chủ yếu đào cắt cành. Chị cho biết năm nay thời tiết nóng, đào rụng lá nhiều, nên hầu như không phải tuốt lá. Cũng do thời tiết nóng, đào nở lai rai từ đầu tháng 11 âm lịch, người làng Nhật Tân đã cắt cành bán cho những người chơi đào sớm.
Để có đào đẹp nở đúng Tết, người dân phải tuốt lá trước từ 45 đến 60 ngày
Nhà chị Thanh cũng như người dân ở Nhật Tân mong rằng thời tiết sẽ như dự báo là tháng 1 (tức tháng chạp âm lịch) sẽ có gió mùa đông bắc, thời tiết lạnh hơn để hãm đào nở vào đúng Tết Nguyên đán. “Trồng đào như đánh bạc, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên người trồng đào khó mà giàu được” – chị Thanh tâm sự. Chính vì nghề trồng đào khó khăn vất vả lại thu nhập không ổn định nên nhiều nhà dân ở Nhật Tân đã bán đất đi nơi khác. Một số chủ vườn đào có vốn lớn, đầu tư mạnh vào trồng và buôn bán đào cây, đào thế .. mới có lãi cao.
Chị Thanh đang bấm ngọn, bó đào để cành đào có dáng tròn đẹp
Chục năm gần đây, chơi đào ghép gốc trở thành “mốt” , nhiều chủ đào ở Nhật Tân đầu tư mua gốc đào rừng từ các tỉnh miền núi phía bắc về ghép cành đào Nhật Tân để cho ra những cây đào ghép bán cho những khách hàng “sang” hoặc cho các cơ quan công sở thuê bày vào dịp Tết. Anh Nguyễn Đức Chung, chủ một vườn đào ở Cụm 3 phường Nhật Tân cho biết, mỗi gốc đào rừng có giá 2-3 triệu đồng, mua về ghép mắt đào bích hoặc đào phai, sau 1-3 năm mới bán được. Đào rừng được khai thác nhiều nên giờ để kiếm được gốc đẹp cũng khó. Anh Chung còn phải lặn lội lên rừng, tìm gốc đào non có dáng đẹp, thuê bà con dân tộc chăm sóc 5-10 năm rồi mới lên khai thác về. “Nghề chơi cũng lắm công phu”, để có gốc đào đẹp tốn rất nhiều công sức tiền của, nên giá trị mỗi gốc đào ghép lên tới vài chục triệu đồng cũng hợp lý.
Những gốc đào rừng có giá từ 2-3 triệu đồng
Những gốc đào rừng được cưa tạo dáng, chờ ghép mắt đào ta
Phục vụ khách hàng bình dân hơn với xu hướng chơi đào rừng, người trồng đào Nhật Tân chọn những cây đào cành mềm uốn theo dáng cong tự nhiên, chứ không phải uốn tròn theo cách truyền thống. Những cây đào này, được gọi theo cách dân dã là “đào vọt”, thường là loại đào đơn 5 cánh màu nhạt giống với đào rừng. Mỗi cành đào này, vào dịp Tết có giá bán dao động từ 700 đến 1 triệu đồng.
Những cây đào Nhật Tân được uốn như dáng đào rừng tự nhiên
Đào nở sớm
Đào trắng được nhiều người thích, nhưng rất khó trồng
Làng đào Nhật Tân sẵn sàng cho vụ Tết Kỷ Hợi
Tết sắp đến, người trồng đào ở Nhật Tân mong rằng thời tiết thuận lợi để có những cành đào đẹp đáp ứng nhu cầu chơi Tết của người Hà Nội và cả nước.
Bài và ảnh : Phạm Hằng