Gần 90 năm cuộc đời, ông là một nhà văn, một nhà thơ, nhà báo, nhà hoạt động chính trị - xã hội Ấn Độ, nhưng nổi bật hơn cả là một người Ấn Độ say mê nghiên cứu Việt Nam, đấu tranh cho độc lập và tự do của đất nước Việt Nam, cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc.
Gần 90 năm sống và làm việc tại Ấn Độ, nhưng Geetesh Sharma, có hơn 4 thập kỷ gắn bó với Việt Nam trong phong trào của Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam bang Tây Bengal, với tư cách thành viên lẫn trên vai trò Chủ tịch. Dù nhiều năm qua, tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn tích cực hoạt động nhằm tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Lý do thật đơn giản như ông vẫn nói: Ông kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi Việt Nam như Tổ quốc thứ hai của mình.
Trong lần trò chuyện với phóng viên Đài TNVN cuối năm 2020, Geetesh Sharma nói: “Tôi rất ấn tượng với người dân Việt Nam bởi giữa khó khăn nghèo đói sau chiến tranh, họ vẫn đoàn kết và chia sẻ. Tôi hỏi một cậu sinh viên Việt Nam rằng cậu nghĩ gì về đất nước của cậu? Tôi được trả lời rằng chúng tôi nghèo nhưng chúng tôi tự hào về điều đó bởi chúng tôi cùng chia sẻ khó khăn. Và rồi một khi chúng tôi đã vượt qua, chúng tôi sẽ trở nên giàu có. Cùng nhau chúng tôi sẽ vượt qua mọi trở ngại”.
Cái tên Geetesh Sharma nổi lên từ giai đoạn đầu những năm 1970 tại thành phố Calcutta, thủ phủ bang Tây Bengal miền Đông Ấn Độ. Ông gắn liền với phong trào đấu tranh ủng hộ cuộc chiến tranh Giải phóng miền Nam Việt Nam tại thành phố này. Những năm 1970-1975, Geetesh Sharma xuống đường cùng đông đảo thanh niên, nông dân, trí thức bang Tây Bengal mít tinh, biểu tình bày tỏ sự đoàn kết với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam anh em.
Chính trong những cuộc đấu tranh hòa bình đó, bạn bè Ấn Độ đã cùng lan truyền một câu khẩu hiệu bất hủ, trở nên phổ biến cho tới tận ngày nay: “Tera nam, mera nam, hamara nam, Vietnam, Vietnam” (có nghĩa là tên anh, tên tôi, tên chúng ta đều là Việt Nam). Geetesh Sharma tham gia Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam ngay từ khi thành lập năm 1974 nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam. Đến năm 1994, ông được bầu là Chủ tịch của Ủy ban và giữ chức vụ đó tới tận ngày nay.
PGS. TS Lê Văn Toan, Giám đốc sáng lập của Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có nhiều ấn tượng sâu sắc với Geetesh Sharma với tư cách là một người bạn hết lòng với Việt Nam.
PGS. TS Lê Văn Toan nói: “89 năm trong cuộc đời, Cụ Geetesh Sharma đã từng đến thăm và làm việc hơn 30 nước trên thế giới, nhưng có lẽ, Việt Nam là nước Cụ đến thăm và làm việc nhiều nhất, giành nhiều tình cảm nhất, có thể nói, Việt Nam - Hồ Chí Minh luôn ở trong trái tim Cụ. Cụ đã từng đi khắp đất nước Việt Nam, từ cực bắc đến cực nam của đất nước, để ghi chép lại những biến đổi, phát triển không ngừng của Việt Nam, ghi lại những dấu tích của cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, những dấu tích văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam.
Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn - Việt bang Tây Bengal, với uy tín cá nhân từ khi còn là sinh viên đại học, Cụ đã vận động và tham gia phong trào sinh viên Ấn Độ biểu tình phản đối thực dân Pháp xâm lược Việt Nam vào những năm 1960-1970, tham gia phong trào phản đối đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, nên những lời kêu gọi Ấn Độ ủng hộ Việt Nam của Cụ rất được nhân dân Ấn Độ hưởng ứng”.
Không chỉ là một nhân chứng của mối quan hệ tốt đẹp giữa hai đất nước, Geetesh Sharma còn là người trực tiếp gây dựng nên những thành tựu đó, mà trước hết là giúp cho hai dân tộc hiểu nhau hơn. Nói về những đóng góp của Geetesh Sharma với quan hệ hữu nghị giữa hai nước, ông Hà Minh Huệ, phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, người từng nhiều năm tiếp xúc và làm việc với ông cho biết.
Là một nhà văn, nhà báo, một tác gia lớn ở Ấn Độ, Geetesh Sharma đã từng viết 23 cuốn sách, trong đó có gần chục đầu sách về Việt Nam; ghi lại những nhận xét, cảm tưởng của ông về đất nước Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vai trò của ông như một chiếc cầu nối, phổ biến sự hiểu biết của mình, tình cảm của mình với Việt Nam, qua đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Di sản lớn nhất mà ông để lại chính là nuôi dưỡng tình cảm đặc biệt với nhân dân Việt Nam, những cuốn sách của ông bằng tiếng Anh, tiếng Bengali, tiếng Hindi được truyền bá rất rộng rãi ở Ấn Độ.
Năm 2004, Geetesh Sharma được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương vì hòa bình và hữu nghị, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc vì các nỗ lực không mệt mỏi của ông nhằm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa nhân dân Ấn Độ và Việt Nam. Những phần thưởng đó khiến ông xúc động bởi ông luôn cho rằng mình nợ Việt Nam rất nhiều, vì đã được đón tiếp bằng tình yêu và những lời ngợi khen.
Ông từng nói: “Tôi thường xuyên nghĩ rằng, tôi không thể trả hết nợ cho Việt Nam, nhưng sẽ cố gắng làm hết sức mình tới mức có thể”.
Phan Tùng/VOV New Delhi
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |