Đích đến của chúng tôi là tạo nên một cầu phát thanh truyền hình, một chương trình mang tính chính luận - nghệ thuật sang trọng, làm nổi bật hình ảnh của Người.
20h15’, ngày 21/8/2019, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với tỉnh Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cầu Truyền hình - Phát thanh trực tiếp với chủ đề: “Muôn vàn tình thương yêu” kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ đi xa, 50 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác. Chương trình Chính luận - Nghệ thuật “Muôn vàn tình thương yêu” được thực hiện tại 3 điểm cầu: Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (Trung tâm Phát thanh Quốc gia - 58 Quán Sứ - Hà Nội), Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và Bến Nhà Rồng - thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên các Kênh: VTC1, VTC3, VTC10, Kênh Truyền hình Vietnam Journey, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV), Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An (NTV) và nhiều Đài phát thanh - truyền hình trong cả nước; được phát thanh trực tiếp trên các kênh sóng: VOV1, VOV2, VOV3, VOV4 được phát trực tuyến trên các báo điện tử: VOV.VN, VTC News, trang điện tử VOVWORLD.VN và ứng dụng VOV Media. Chương trình Chính luận - Nghệ thuật “Muôn vàn tình thương yêu” do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN trực tiếp chỉ đạo; Nhà báo Trần Đăng Tuấn xây dựng kịch bản; Nhà báo - NSƯT Lê Thụy làm Tổng đạo diễn cùng sự tham gia của hơn 200 nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Đoàn Ca múa Dân gian Nghệ An, Vũ đoàn Âu Cơ, Vũ đoàn Bạch Dương, Vũ đoàn Phương Việt, Dàn hợp xướng Người Sài Gòn…; sự phối hợp sản xuất của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An. |
“Đích đến của chúng tôi là tạo nên một cầu phát thanh truyền hình, một chương trình mang tính chính luận - nghệ thuật sang trọng, đạt được giá trị nghệ thuật, làm nổi bật hình ảnh của Người - một biểu trưng mang giá trị tinh thần, hồn cốt của dân tộc và truyền được tình yêu thương của Bác tới muôn người”.
Đó là điều mà nhà báo Trần Nhật Minh, Trưởng ban Văn học - Nghệ thuật, Đài TNVN (VOV6), trong nhóm tổ chức sản xuất cầu Truyền hình - Phát thanh (TH - PT) “Muôn vàn tình thương yêu” và ê-kíp thực hiện cầu truyền hình này tâm niệm từ khi nhen nhóm ý tưởng xây dựng một chương trình nghệ thuật để dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trong những ngày này. Và đây cũng là cách để ê-kíp gửi gắm tình cảm của mình tới Bác Hồ.
Cầu truyền hình tạo nên sự khác biệt
Nhà báo Trần Nhật Minh cho biết:“Tác giả kịch bản văn học của cầu TH - PT “Muôn vàn tình thương yêu” là nhà báo Trần Đăng Tuấn, người cộng tác với VOV đã nhiều năm. Với thời gian dự kiến hơn 2 tiếng, chương trình phải làm sao dựng được hình ảnh của Bác Hồ từ lúc sinh thành, quá trình đi tìm đường cứu nước cho đến giai đoạn cuối đời”. Từ kịch bản toàn tuyến ấy, khi lãnh đạo Đài TNVN đồng ý cho sản xuất, ê-kíp đắp dần các chất liệu và quyết định triển khai nó như một cầu TH - PT của 3 miền Bắc - Trung - Nam. Và tên của cầu TH - PT “Muôn vàn tình thương yêu” được bắt nguồn từ Di chúc của Bác Hồ: “Bác để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cho các cháu thiếu niên nhi đồng yêu quý, cho bạn bè thế giới”.
Đạo diễn Tạ Tuấn Minh (thứ hai từ trái qua) đang thị phạm cho diễn viên về diễn xuất. Ảnh: Vũ Ngọc
Xuyên suốt kịch bản là những hồi ức, những câu chuyện kể, kịch ngắn, tác phẩm âm nhạc, vũ đạo... khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh hết mực yêu nước, thương dân, yêu thương con người, chăm lo xây dựng Đảng, tình đồng chí, sự đoàn kết, gương mẫu trong Đảng. Và sự đan xen các hình thái nghệ thuật khác nhau trong một chương trình sẽ tạo nên sự hấp dẫn, tính khác biệt cho cầu TH - PT ý nghĩa này.
Đã có nhiều chương trình và cầu truyền hình về chủ đề này nên áp lực khi xây dựng kịch bản là phải tạo nên sự khác biệt cho cầu TH - PT “Muôn vàn tình thương yêu”. Và một trong những cái mới, sự khác biệt đó là lần đầu tiên, cầu phát thanh truyền hình có kịch - một thế mạnh của Đài TNVN. Nhà báo Trần Nhật Minh |
Nhà báo Trần Nhật Minh cho biết, lõi trọng tâm của kịch bản chương trình là Di chúc của Người. Bởi vậy, để toát ra được toàn bộ ý tưởng, tư tưởng từ Di chúc thì ê-kíp thực hiện phải hòa quyện các tiết mục, hình ảnh, âm nhạc... sao cho toát lên ý tưởng của kịch bản với trọng tâm là Bản Di chúc của Người với những nội dung chính như: công việc chỉnh đốn Đảng; tình đồng chí, đồng đội và tinh thần với quần chúng, các đảng viên phải là đầy tớ của nhân dân. Di chúc đó cho đến giờ vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Ngoài ra, chương trình còn găm vào các phóng sự ngắn điểm lại những cột mốc, thành tựu trong quá trình phát triển đất nước. Đấy chính là minh chứng cụ thể cho việc chúng ta đang ngày ngày thực hiện Di chúc của Người.
Nghệ sĩ Nguyễn Minh Hải trong một phân cảnh của vở "Nỗi đau"
Có một điều khiến ê-kíp thực hiện khá trăn trở là thông qua các vở kịch ngắn, làm thế nào để truyền tải các câu chuyện về Bác tới công chúng cho hấp dẫn và chạm được vào tim khán giả khi mà các câu chuyện ấy ít nhiều đã được công chúng biết tới. “Cái khó ở đây là các diễn viên, đạo diễn sân khấu phải dùng kỹ xảo, thủ pháp nghệ thuật để làm sao vở kịch hấp dẫn, kết hợp với âm nhạc trong kịch, với ánh sáng sân khấu, đạo cụ, hóa trang và đặc biệt là cách xử lý diễn xuất sao cho thể hiện được hình tượng, tinh thần của Bác Hồ vừa toát lên vẻ bình dị, chân tình, gần gũi nhưng lại rất mực vĩ đại của Người”, nhà báo Trần Nhật Minh chia sẻ.
Tại đầu cầu TP.HCM, công tác chuẩn bị sân khấu đang khẩn trương hoàn tất. Nhiều công nhân phải đu mình trên cao để làm việc trong nhiều giờ. Ảnh: Hà Khánh - Duy Phương
Dù đã thực hiện rất nhiều chương trình cầu truyền hình của quốc gia nhưng NSƯT Lê Thụy khi bắt tay thực hiện vai trò là Tổng đạo diễn cầu TH - PT “Muôn vàn tình thương yêu” nhận thấy đây là một thử thách rất khó khăn, bởi chương trình không chỉ đơn thuần dùng phương tiện âm nhạc để truyền tải nội dung tư tưởng của kịch bản, mà phải xử lý rất nhiều loại hình, đòi hỏi sự tính toán lô-gíc và hợp lý và tạo sự khác biệt. Điều đặc biệt ở cầu truyền hình này là có loại hình sân khấu kịch nói với 3 vở kịch ngắn viết về những sự kiện lớn mà trực tiếp có hình ảnh, hình tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu. Đây là một sự phối hợp nhịp nhàng, là yếu tố mang tính độc đáo của chương trình.
Tổng đạo diễn Lê Thụy xúc động: “Bản Di chúc của Bác Hồ đã được đánh giá là một trong những áng văn bất hủ. Đọc áng văn bất hủ ấy, chúng ta xúc động về tình cảm của Người - vị lãnh tụ hết sức thương yêu nhân dân Việt Nam. Chúng tôi đang cố gắng để đẩy được những cảm xúc ấy đến với khán thính giả qua cầu truyền hình này”.
Những áp lực mang tên tự hào
Nhạc sĩ Trần Nhật Dương, Trưởng ban Âm nhạc Đài TNVN (VOV3), Giám đốc âm nhạc cầu TH - PT “Muôn vàn tình thương yêu” tiết lộ: “Trong cầu TH - PT này, chúng tôi sử dụng những tác phẩm âm nhạc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã được công chúng ghi nhận qua năm tháng. Đặc biệt, sẽ có một tác phẩm mới nhất viết cho cầu truyền hình này, đó là ca khúc “50 năm theo lời Bác dặn” của nhạc sĩ Đức Trịnh, phổ thơ của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. Có tới hơn 200 nghệ sĩ là các diễn viên, ca sĩ và biên đạo múa tham gia chương trình này”.
Ê-kíp chương trình tại Nghệ An đang tích cực tập duyệt các tiết mục nghệ thuật. Ảnh: Trần Bình
Theo nhạc sĩ Trần Nhật Dương, toàn bộ phần âm nhạc của các ca khúc đã được làm mới lại, phối khí lại và do những ca sĩ mới thể hiện sẽ đem đến một tình cảm, một sức sống mới cho những ca khúc đã đi cùng năm tháng.
Tại Nhà hát Đài TNVN, đã tới giờ nghỉ trưa nhưng đạo diễn Tạ Tuấn Minh (Nhà hát Kịch Việt Nam) cùng các diễn viên vẫn say sưa tập luyện các vở kịch ngắn. Đạo diễn Tạ Tuấn Minh chia sẻ: “Đây là một chương trình chính luận - nghệ thuật về Bác Hồ kính yêu, mang rất nhiều ý nghĩa. Hình tượng của Bác quá vĩ đại và đã in chặt vào tư duy của người dân Việt Nam cũng như toàn thế giới. Bởi thế, để thể hiện được hình tượng của Bác và mang được tinh thần của Bác lên sân khấu là một điều rất khó. Cho nên đối với tôi và toàn bộ ê-kíp thì đây thực sự là một áp lực rất lớn. Vì thế, toàn bộ ê-kíp đã tập luyện miệt mài, ngày 3 buổi ròng rã hàng tháng trời. Hơn nữa, những kịch bản càng ngắn thì càng khó để chuyển tải đúng bản chất vấn đề tới khán giả. Chúng tôi hy vọng với 3 tiểu phẩm này sẽ mang lại cho khán giả những giây phút xúc động và ý nghĩa”.
Để tạo sự mới mẻ, thú vị cho chương trình, đạo diễn Tạ Tuấn Minh không lấy diễn viên ở một đơn vị cụ thể nào mà chọn diễn viên từ các nhà hát khác nhau để có được sự đa dạng phong cách diễn. “Tôi đã đọc và nghiên cứu nhiều tư liệu, những câu chuyện về Bác, kể cả những tư liệu lịch sử để hiểu thêm về Bác, để có thể hiểu Bác nghĩ thế nào, Bác mong muốn điều gì trong giai đoạn đấy. Điều tôi đang cố gắng, mong muốn làm lớn nhất là tôi muốn đi sâu vào trong con người Bác - một người đứng đầu đất nước mà bình dị nhưng lại rất đỗi cao cả, vĩ đại”, đạo diễn Tạ Tuấn Minh bày tỏ.
Nhắc đến một cầu TH - PT trực tiếp, hẳn không thể thiếu vai trò đặc biệt quan trọng của khối kỹ thuật. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Truyền hình, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Đài TNVN cho biết:“Cầu TH - PT Muôn vàn tình thương yêu có một yêu cầu rất đặc biệt, đó là các sân khấu ở cả 3 đầu cầu đều diễn ra hát, múa. Tổng đạo diễn Lê Thụy yêu cầu cả phát thanh và truyền hình đều phải truyền tải được hình ảnh và âm thanh của cả 3 cầu cùng lúc. Bởi vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là phải đồng bộ cả về hình ảnh và âm thanh ở 3 đầu cầu. Chúng tôi cũng đã có phương án dự phòng để nếu mất sự đồng bộ giữa 3 miền thì các đầu cầu sẽ phải chủ động và sóng vẫn được truyền tới khán thính giả. Anh em kỹ thuật luôn luôn cố gắng để đảm bảo tín hiệu ổn định, có độ dự phòng cao để lường hết các sự cố có thể xảy ra”.
Là người luôn đứng sau khuôn hình, tận tụy, chuẩn xác, ông Phan Tiến Dũng bày tỏ: “Đây là một chương trình rất quan trọng, có cả ý nghĩa về chính trị, văn hóa. Những người làm kỹ thuật như chúng tôi cố gắng hoàn thành chương trình này để khán thính giả cả nước có thể cảm nhận và có cùng cảm xúc. Đó là tấm lòng thành kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Vũ Ngọc, baotnvn.vn