Bà con dân tộc La Chí xã Bản Díu dâng lễ lên đền thờ Hoàng Vần Thùng
Trong cộng đồng các dân tộc phía Tây vẫn còn lưu truyền rất nhiều những câu chuyện, truyền thuyết về Hoàng Vần Thùng. Một tích chuyện kể rằng: Xưa kia, người La Chí sống nay đây, mai đó; họ phát nương trồng rẫy, đất bạc màu lại di chuyển đi nơi khác. Cứ như vậy, đời sống của họ vô cùng cực khổ, mất mùa, nạn đói thường xuyên. Một hôm, xuất hiện một người đàn ông có tên là Hoàng Vần Thùng đến dạy bà con đào đất, san đất đồi thành bậc thang để trồng lúa nước; dạy bà con nuôi gà, nuôi lợn, bẫy thú rừng đến phá ruộng, nương…
Từ ngày biết trồng lúa nước, thóc lúa đầy bồ, bà con dân bản không còn cảnh mất mùa vào rừng đào củ kiếm ăn từng bữa và du canh, du cư như trước đây mà sống quây quần thành từng bản. Khi có giặc kéo đến cướp phá thôn bản, Hoàng Vần Thùng tập hợp trai tráng huấn luyện họ đánh đuổi giặc cướp. Đánh giặc xong, ông về dãy núi Pố Hoàng Thùng (tiếng La Chí) nay còn gọi là núi Gia Long và sau đó người ta không còn thấy ông nữa và bà con truyền rằng ông đã hóa rồng trở về với trời.
Nghi thức đánh trống dâng lễ trong Lễ hội Hoàng Vần Thùng
Một năm, trời hạn hán ruộng không có nước cày cấy, cỏ cây khô héo, trâu, bò lăn ra chết; người dân hoang mang, họ lập đàn cúng mời Hoàng Vần Thùng về giúp. Lễ cúng vừa xong, trên trời sấm chớp ầm ầm, mây kéo về, trong đám mây đen xuất hiện một đám mây vàng hình rồng hạ xuống đàn tế; sau đó, mưa kéo dài suốt ba ngày, ba đêm, người dân thoát khỏi hạn hán. Từ đó về sau họ lập miếu thờ hương khói, cứ đến ngày Thìn, tháng Thìn âm lịch hàng năm tổ chức lễ cúng tế ông, vào năm Thìn tổ chức lễ hội lớn hơn.
Huyền thoại về Hoàng Vần Thùng còn tiếp tục sau khi ông qua đời, đó là những ngôi mộ mọc lên khắp các bản làng dưới chân núi Gia Long. Tương truyền khi vua mất, chỉ một đêm bỗng khắp vùng mọc lên hàng ngàn ngôi mộ đất, không rõ có bao nhiêu người đã tham gia đắp nên, hay nhờ sự linh thiêng huyền bí nào đó mà tạo thành. Người dân La Chí không ai dám phạm đến, kể cả mộ nằm giữa vườn, giữa ruộng cũng không dám đụng một nhát cuốc nào vào.
Ngoài những truyền thuyết trên còn rất nhiều những câu chuyện, dị bản khác về Hoàng Vần Thùng vẫn còn được cộng đồng người La Chí lưu giữ cho đến ngày này. Như chuyện sau khi mất, thân thể ông biến thành một dãy núi trùng điệp, trên đó là làng bản của người La Chí. Các bộ phận cơ thể của ông sinh ra Bản Díu, Bản Phùng và Bản Máy... Câu chuyện còn có nhiều mô típ khác nhau nhưng cốt lõi chung là dân tộc La Chí có cùng một ông tổ, cho dù ở đâu họ cũng là anh em ruột thịt. Bản Díu theo truyền thuyết và những câu chuyện cổ của người La Chí vốn được coi là người anh cả, vào tháng 7 âm lịch dịp Tết Khu Cù Tê của người La Chí, đây là địa điểm tổ chức lễ hội đầu tiên.
Quần thể đi tích mộ Hoàng Vần Thùng là di sản văn hoá vật thể và phi vật thể có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa của cộng đồng người La Chí. Từ bao đời nay, sự bí ẩn của những ngôi mộ này luôn là đề tài, nguồn cảm hứng cho cộng đồng sáng tạo những câu chuyện, truyền thuyết. Đây chính là nguồn tư liệu quý báu cho các nhà văn hóa, dân tộc học khi nghiên cứu về lịch sử và văn hóa tộc người La Chí.
Di tích mộ Hoàng Vần Thùng nằm trên các sườn núi cao, các khu rừng đầu nguồn hay rừng cấm của đồng bào người La Chí. Những khu vực này có cảnh quan thiên nhiên đẹp, do những quan niệm về mặt tâm linh, việc xâm phạm vào đây là điều cấm kị. Bên cạnh đó, dân tộc La Chí ở Hà Giang vốn được biết đến như là một trong những chủ nhân tiêu biểu của di sản văn hóa ruộng bậc thang. Tại những vùng cư trú của đồng bào thường là nơi có thắng cảnh ruộng bậc thang đẹp, kết hợp giữa cảnh quan của rừng nguyên sinh, rừng cấm với danh thắng ruộng bậc thang và những ngôi mộ còn chứa đựng nhiều bí ẩn có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn; nếu được quan tâm đầu tư, sẽ là tiền đề cho việc thu hút khách tham quan đến với vùng đất này.
Trọng Toan/Báo Hà Giang