Trong ngôi nhà sàn nhỏ nép mình bên sườn núi ở thôn Cốc Soọc, xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, ông Lù Sính Vần, năm nay đã gần 80 tuổi chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về nguồn gốc của Lễ cúng Thần rừng. Trong truyền thuyết dân gian của người Nùng lưu truyền câu truyện kể rằng: Xưa kia các họ tộc người Nùng ở Hoàng Su Phì sống yên bình tại các sườn núi. Một hôm vua phương Bắc sai quân đến xâm lược nhằm chiếm đất đai, của cải. Sau nhiều ngày giao chiến với kẻ thù, các tộc người Nùng bị thua trận nên phải rút vào các khu rừng rậm để bảo toàn lực lượng.
Do bị quân địch vây hãm nhiều ngày nên thiếu nước uống, khiến cho nhiều người và gia súc bị chết. Đúng lúc này, thủ lĩnh của người Nùng là Hoàng Vần Thùng do chiến đấu quả cảm với quân địch đã bị thương và lâm bệnh chết. Để tỏ lòng biết ơn và thương tiếc người thủ lĩnh quả cảm, các trai tráng đã mổ trâu lấy thịt, lấy tiết trâu thay nước nấu cơm làm đồ cúng tế và cầu xin Hạn Hung (tức vua trời) giúp đỡ. Xúc động trước tinh thần đoàn kết đấu tranh của các tộc người Nùng, Hạn Hung đã cử quân xuống giúp dân trừ giặc đem lại cuộc sống yên bình cho dân bản. Để tưởng nhớ người thủ lĩnh đã có công giúp dân chống giặc, các tộc họ người Nùng đã dành khu rừng già tươi tốt, có vị trí đẹp nhất trong bản để lập miếu thờ và tôn ông là Đổng Trứ (tức Thần rừng).
Từ đó cứ vào dịp tháng 2 và tháng 7 hàng năm, các bản làng của người Nùng thuộc các xã trong huyện Hoàng Su Phì lại tổ chức lễ cúng Hoàng Vần Thùng tại miếu thờ. Trải qua nhiều năm tháng cùng những biến động của lịch sử, tục lệ này vẫn được người Nùng duy trì cho đến ngày nay, nhằm để tưởng nhớ tổ tiên, cầu cho làng bản, gia đình ấm no hạnh phúc, mùa màng bội thu, đồng thời giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ.
Nghi lễ cúng Thần rừng của người Nùng, xã Pố Lồ
Theo cụ Tải Chẩn Thài, xã Pố Lồ, việc chuẩn bị cho Lễ cúng Thần rừng gồm nhiều công đoạn và được bà con trong bản chuẩn bị từ trước đó nhiều ngày. Theo tục lệ của người Nùng, cứ 3 năm mới làm lễ chính một lần, khi đó dân bản mới mổ trâu để cúng, các năm còn lại chỉ cúng gà và lợn. Lễ cúng thần rừng được quy định luân phiên mỗi năm một thôn phải góp 4 con gà trống thiến, rượu và một con lợn đen khoảng 50 kg để mổ làm vật cúng, ngoài ra còn có thêm hương, tiền bạc được làm từ giấy dó và các sản vật nông sản do người dân tự làm ra như: Xôi nếp nương, các loại bánh, hoa quả…
Lễ cúng được diễn ra tại khu rừng thiêng của các bản người Nùng. Tại khu rừng này, mọi người dân trong thôn đều ý thức được những điều cấm kỵ như: Không được chặt cây, lấy củi, săn bắt thú, hoặc đại tiểu tiện trong rừng... Trong ngày làm Lễ cúng Thần rừng, những người nam giới trong thôn có mặt từ rất sớm, mang theo đồ lễ và dọn dẹp xung quanh ngôi miếu cho sạch sẽ.
Lễ vật cúng gồm lợn, gà, sau khi mổ xong sắp nguyên cả con, cùng với tiết và nội tạng bày lên mâm cúng. Trên mâm cúng có 12 chiếc chén, 12 đôi đũa và 12 chiếc bát. Người Nùng quan niệm, con số 12 tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Trước đó, các phụ lễ sẽ lấy những thệp giấy bản do bà con mang đến gấp đủ 12 quân giấy bạc. Các quân giấy bạc này trông như con thuyền, dùng để thay cho những đồng tiền trước đây, gọi là ngân khố.
Khi chọn được giờ đẹp, lễ cúng được diễn ra. Thầy cúng thắp bó nhang và đọc bài cúng: Năm cũ đã qua, năm mới đến, hôm nay, các hộ gia đình trong toàn xã lại nhớ đến ông Hoàng Vần Thùng và đóng góp tiền, hương, lễ vật trâu, gà, lợn để làm lễ cúng thần. Nay thịt đã chín, cơm đã ngon, các con cháu kính dâng lên ông Hoàng Vần Thùng, các ông Tí Táo, ông Bảo, ông Liều (các vị thần bảo vệ cho con người và vật nuôi theo quan niệm của người Nùng) để các ông hưởng thụ và phù hộ, đem lại may mắn cho dân làng…
Sau khi lễ cúng kết thúc, mọi người quây quần ăn uống vui vẻ ngay khu rừng thiêng. Họ cùng chúc tụng nhau làm ăn phát đạt, dồi dào sức khỏe. Việc ăn uống chỉ kết thúc trong ngày, khi thịt trong nồi đã hết, rượu trong chai đã cạn, khuôn mặt ai nấy đều ánh lên niềm vui, phấn khởi vì tin tưởng có thần rừng bảo trợ, cùng nhau đoàn kết xây dựng và bảo vệ quê hương, chung tay giữ rừng, phát triển kinh tế giàu mạnh.
Lễ cúng Thần rừng của người Nùng không chỉ là một hoạt động văn hoá mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mà còn giúp các thế hệ người Nùng gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần giữ rừng và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng quý giá.
Nguyễn Phương/ Báo Hà Giang