Văn hóa

Khai quật khảo cổ tại di tích Điện Thái Hòa để bảo tồn, trùng tu tổng thể

18:30 - 04/06/2021
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định cho phép tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích điện Thái Hòa, Đại nội Huế để củng cố hồ sơ, hoàn chỉnh phương án bảo tồn, trùng tu tổng thể di tích này.

Thời gian khai quật khảo cổ sẽ tiến hành từ ngày 5 đến 22/6 tới, trên diện tích 66m2, thuộc di tích điện Thái Hòa. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu, trong thời gian tiến hành khai quật khảo cổ, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương. 

Di tích Điện Thái Hòa - Đại Nội Huế 

Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật phải được tạm lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để bảo quản, tránh gây hư hỏng, thất lạc. Trung tâm có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Công tác khai quật khảo cổ học tập trung ở khu vực bậc cấp, nền và móng của chái Đông và chái Tây ngôi điện, nhằm xác định kết cấu nền và móng, xác định loại vật liệu gia cố móng và bó vỉa xung quanh. Sau khi kết thúc đợt khai quật, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phải có báo cáo kết quả sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất 1 tháng; báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 1 năm gửi về Bộ.

Khai quật khảo cổ di tích Điện Thái Hoà sẽ thực hiện từ 5-22/6/2021

Trước đó, vào ngày 26/2/2021, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa”. Dự án thực hiện trong vòng 4 năm, với tổng kinh phí khoảng 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.

Bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Điện Thái Hòa đã được xây dựng năm 1833, đến bây giờ, cũng gần 200 năm rồi. Dự án phê duyệt, trùng tu Điện Khánh Hòa, mình cũng khảo cổ để biết được cấu trúc của nền móng ở dưới đó. Trải qua gần 200 năm rồi thì các tầng địa chất, địa lí và cái gia của nền móng đó nó có thay đổi nhiều không và để đánh giá lại chất liệu của nền móng đó, để bổ sung cho công tác tu bổ, trùng tu”.

Lê Hiếu/VOV miền Trung

Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV