Nghệ nhân Sergei Ivanovich Plotnikov bên cây đàn dây lyre quay bằng tay ra đời ở Trung Âu thế kỷ 11
Trong một ngày đông giá rét, nhóm phóng viên Việt Nam có dịp đến thăm Bảo tàng các nhạc cụ thất truyền của Nga ở thành phố Voronezh. Đón chúng tôi tại bảo tàng nằm trong khuân viên Cung văn hóa thành phố là một người đàn ông cởi mở trong bộ trang phục dân tộc của Nga – nghệ nhân Sergei Ivanovich Plotnikov. Ông dẫn chúng tôi lên một căn phòng nhỏ, diện tích khiêm tốn nằm ở tầng 3 của Cung văn hóa, nơi đang lưu giữ gần 100 các nhạc cụ cổ truyền độc đáo của Nga và một số nước trên thế giới.
Nghệ nhân Plotnikov hướng dẫn phóng viên VOV chơi nhạc cụ đàn hạc
Nghệ nhân Plotnikov giới thiệu với chúng tôi nhạc cụ đầu tiên là cây đàn hạc 3 dây (người Nga gọi là Gudok) của người Slavơ cổ miền Đông. Đây là một trong những nhạc cụ cổ nhất trong bộ sưu tập của ông, có từ thế kỷ thứ 10. Thay cho gẩy, cây đàn này sử dụng vĩ để kéo giống như đàn violon và có thể chơi khá dễ dàng, nghệ nhân Sergei thậm chí còn huấn luyện cho chúng tôi cách bấm những hợp âm đơn giản nhất để có thể cùng hòa tấu một bản nhạc bằng chiếc hạc cầm của người Slavơ này.
Tiếp đến, ông Plotnikov cầm lên chiếc đàn hạc kiểu lyre, một trong những nhạc cụ cổ nhất có từ thế kỷ thứ 11. Hạc cầm kiểu lyre cổ của Nga khá đơn giản với 6 dây, nghệ nhân Plotnikov tỉ mỉ giảng giải cho chúng tôi cách sử dụng cây đàn, các cách xử lý 1 dây, 2, 3 dây cũng như đánh tất cả các dây đàn…
Liệu những nhạc công mù có cách nào để nói lên tiếng lòng của mình? Cây đàn dây lyre quay bằng tay đã thay họ lên tiếng. Cây đàn này ra đời ở Trung Âu thế kỷ 11. Để tiếng đàn ngân vang, người sử dụng cần phải quay cần quay của đàn đều đặn không ngừng nghỉ, đồng thời nhấn các phím trên bầu đàn để thay đổi cung bậc âm thanh.
Nghệ nhân tiếp tục giới thiệu cho chúng tôi cây đàn Balalaika cổ của người Nga với cần đàn dài và chỉ có 2 dây. Đàn Balalaika cổ của người Nga được sử dụng ở các thế kỷ 17, 18 và chỉ 130 năm trước mới thay đổi hình dáng cũng như số lượng dây đàn như chiếc đàn Balalaika đương đại.
Trở về với thế kỷ 20, chiếc đàn hạc kiểu cánh 9 dây là nhạc cụ không thể bỏ qua. Nhạc cụ cổ này được người Nga sử dụng tới tận những năm 1980 của thế kỷ trước. Cách sử dụng đàn hạc kiểu cánh và tiếng vang trong trẻo của nó tạo cảm giác thú vị và thu hút các phóng viên chúng tôi tiếp tục tìm hiểu các nhạc cụ cổ của nước Nga.
Cùng nhóm phóng viên hoà tấu một làn điệu dân ca Nga
Nghệ nhân Plotnikov đưa chúng tôi sang nơi trưng bày các nhạc cụ cổ bộ hơi. Nhạc cụ đầu tiên nghệ nhân giới thiệu cho chúng tôi đó là cây sáo cổ Kalyuka rất đơn giản của người Nga. Nhạc cụ này làm từ ống sậy khoét lỗ ở trên, khi thổi, người thổi sẽ điều khiển âm lượng bằng dòng hơi đi qua lỗ khoét đồng thời chặn hoặc mở lỗ ống phía dưới để tạo ra âm thanh khác nhau. Tiếp đến là cây sáo người Nga gọi là Dutka, loại nhạc cụ này không có lưỡi gà và phải dùng môi chặn ở đầu ống sáo để điều khiển luồng hơi. Sử dụng Dutka sẽ phức tạp hơn so với Kalyuka khi có thêm các lỗ như cây sáo trúc của Việt Nam để thay đổi cung bậc.
Ông Plotnikov còn giảng giải, giới thiệu với chúng tôi nhiều nhạc cụ khác như chiếc kèn túi Volynka của người Slavo có họ hàng với chiếc kèn túi của người Scotland; hay như cây đàn organ quay tay đường phố Sharmanka của châu Âu do một nghệ nhân ở Lipetsk trao tặng. Điều đặc biệt là các bản nhạc được “lập trình” trên giấy đục lỗ, khi hơi đi qua các lỗ này sẽ tạo ra âm thanh trầm bổng khác nhau.
Nghệ nhân Plotnikov giới thiệu rất kỹ về thiết kế các loại nhạc cụ và điều đặc biệt là ông có thế chơi tất cả các loại nhạc cụ có trong bộ sưu tập
Dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Sergei, chúng tôi đã cùng nhau có những trải nghiệm thú vị, trực tiếp chơi một số loại nhạc cụ, đắm chìm vào giai điệu du dương của những bài hát dân ca Nga mà chúng tôi rất hiếm khi hoặc chưa từng nghe thấy.
Công việc bảo tồn các nhạc cụ cổ đến với nghệ nhân Plotnikov thật tình cờ và thú vị. Nghệ nhân Plotnikov chia sẻ: “Mọi thứ bắt đầu từ khi vợ tôi tặng cho tôi một cuốn sách với sơ đồ thiết kế các loại nhạc cụ, mặc dù khi đó tôi chẳng có kiến thức gì về âm nhạc song dựa trên các sơ đồ thiết kế đó, tôi đã mày mò phục chế lại các loại nhạc cụ. Sau khi đã làm được một số nhạc cụ, cùng với sự giúp đỡ hỗ trợ của mọi người tôi lập ra bảo tàng này”.
Để sở hữu một khối lượng lớn các nhạc cụ thất truyền không chỉ của nước Nga mà từ nhiều nước trên thế giới như hiện nay, ngoài việc được cho tặng, sự động viên của vợ, thì niềm đam mê, tìm tòi nghiên cứu chính là động lực để nghệ nhân Plotnikov gắn bó với công việc này.
“Ban đầu tôi chế tạo các loại nhạc cụ của châu Á và châu Âu, tuy nhiên sau đó vợ tôi khuyên nên chế tạo các nhạc cụ cổ của Nga, vì rất nhiều người Nga không biết tới những nhạc cụ cổ của mình. Để phục chế các loại nhạc cụ, tôi phải nghiên cứu hình vẽ thiết kế trong từ điển bách khoa và các mẫu khảo cổ hoặc các tài liệu được ghi lại trong các chuyến công tác của các nhà nghiên cứu đến các ngôi làng cổ của Nga”
Những cống hiến của nghệ nhân Plotnikov được chính quyền địa phương ghi nhận, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa. Ông cho biết, gian trưng bày trong Cung văn hóa do thành phố cung cấp, ông cũng được chính quyền trả lương và cảm thấy rất hạnh phúc khi được làm việc với niềm đam mê của mình.
Ý nghĩa nhân văn trong công việc của ông Plotnikov đã lan toả đến cộng đồng, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ người Nga, trong đó có các bạn trẻ. Ông cho biết, hiện nay có rất nhiều thanh niên, trẻ em Nga quan tâm đến các nhạc cụ cổ truyền của nước này. Rất nhiều thanh thiếu niên đã tới thăm bảo tàng của ông, đồng thời từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm ông cũng đi khắp mọi miền của nước Nga để giới thiệu về các nhạc cụ cổ truyền. Ông Plonikov còn cho biết một số người sau khi đến thăm bảo tàng của ông cũng đã trở thành nghệ nhân chế tác các nhạc cụ âm nhạc cổ truyền của Nga.
Một số loại nhạc cụ trong bảo tàng:
Văn Thường - VOVMoscow