Văn hóa

"Khúc mưa" trong những ngày tháng 4 lịch sử

06:14 - 27/04/2021
Đề tài chiến tranh và những hậu quả mà chiến tranh để lại cho dân tộc Việt Nam không còn quá xa lạ với các nhà làm phim và bộ môn nghệ thuật thứ 7. Nhưng với "Khúc mưa", đề tài hậu chiến vốn được coi là gai góc lại được khai thác với cách kể mới, dưới góc độ tâm lý rất nhân văn.

Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021), tối ngày 26/4, tại Trung tâm chiếu phim quốc gia, số 87 Láng Hạ, Tổng cục Chính trị - Điện ảnh Quân đội nhân dân đã tổ chức buổi công chiếu, giới thiệu bộ phim truyện điện ảnh về đề tài hậu chiến mang tên “Khúc mưa”. Bộ phim do Đại tá, NSƯT Phạm Tiến Cường sản xuất, Trung tá Nguyễn Thu Dung xây dựng kịch bản, NSƯT Bùi Tuấn Dũng đạo diễn... và sự tham gia của của nhiều nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng như NSƯT Trương Minh Quốc Thái, diễn viên Trần Thị Thanh Hiền, Lê Phương, Phạm Anh Dũng, Thu Thủy... 

Ê-kíp làm phim "Khúc mưa"

Như một "khúc mưa" xua tan thù hận

“Khúc mưa” kể về bi kịch của một gia đình sống ở chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Tâm (sau này lớn lên là Kevil) theo cha vượt biên và gặp nạn trên biển. Cậu may mắn thoát chết nhưng người cha lại bỏ mạng nơi biển sâu. Một mình lưu lạc nơi đất khách quê người, Kevil luôn bị ám ảnh bởi nỗi đau trong quá khứ, đến mức nỗi đau ấy trở thành tâm bệnh dày vò cậu mỗi ngày. Sau hơn 40 năm, Kevil cùng vợ trở lại Việt Nam và trùng phùng với người mẹ thất lạc năm xưa. 

Chia sẻ về cái tên "Khúc mưa" khá trừu tượng, Trung tá Nguyễn Thu Dung - biên kịch của bộ phim cho biết khúc mưa là một nỗi buồn, một nỗi niềm riêng ẩn sâu trong tâm của mỗi người và đời người ai cũng sẽ giữ trong lòng khúc mưa ấy.

 Cảnh trong phim "Khúc mưa" 

Được thể hiện dưới góc nhìn của những người trẻ, "Khúc mưa" quả thực đã lột tả chân thực câu chuyện thời hậu chiến gắn liền với cuộc sống đương đại. Nó là câu chuyện về những mảnh đời lưu lạc, mang theo tổn thương tâm lý của một bộ phận người vượt biên song song với tâm tư của những người ở lại, vượt lên nỗi mất mát để tiếp tục hướng về tương lai. Và cuối cùng, chỉ có tình yêu mới có thể hóa giải được hận thù, giống như một khúc mưa tưới mát những tâm hồn bị tổn thương, xoa dịu họ, sau cơn mưa trời lại sáng…

"30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Bên cạnh niềm vui chiến thắng, thống nhất non sông còn là ngày chia ly của những người ở chế độ cũ. Tôi mong muốn những hiềm khích, bất đồng từ quá khứ, những nỗi đau cũng cần được thu vén lại, tất cả cùng nhau hướng tới tương lai, cùng hướng tới giá trị nhân văn sâu sắc. Và hơn cả, những người Việt ở xa quê cũng sớm được về đất mẹ, về với Tổ quốc của mình. Đây là ý tưởng mà tôi và cả ê-kíp muốn mang lại cho khán giả", Trung tá Nguyễn Thu Dung bồi hồi chia sẻ.

Cách tiếp cận mới nhưng rất hiệu quả

Bằng cách dẫn dắt khán giả đi từ cảm xúc của các nhân vật ở hiện tại, lồng ghép với ký ức trong quá khứ, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng - người được biên kịch Thu Dung chọn mặt gửi vàng, đã khéo léo kể cho khán giả câu chuyện đầy lôi cuốn, xúc động. Cách kể phản trần thuật này là một cách tiếp cận mới cho loại phim khai thác nội tâm nhân vật. Những bí mật, những khúc mắc cứ thế bị bóc trần, bày ra trước mắt người xem và bùng nổ.

"Với bộ phim đề tài hòa giải dân tộc, câu hỏi đặt ra là “Ai sẽ xem phim này?". Tôi muốn cả 2 phía đều xem được, hiểu cho nhau và bỏ đi mọi bất hòa để hướng về cội nguồn. Cách tôi tiếp cận đề tài cũng không đơn thuần là lấy tư liệu sẵn có để mô phỏng lại mà tôi quan sát, lựa chọn và tôi quyết định xây dựng nhân vật chính mang nặng sắc thái tâm lý, tình cảm và có biểu hiện bệnh thần kinh. Đây có lẽ là bài toán lớn mà tôi và biên kịch phải cùng nhau giải đáp", đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khẳng định.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ về những khó khăn trong quá trình làm phim

Đảm nhận vai nam chính Kevil, nam diễn viên Trương Minh Quốc Thái cho biết: "Khi anh Dũng cho tôi xem kịch bản lần đầu, tôi khá bất ngờ vì vai diễn khá nặng về tâm lý. Nhân vật Kevil có vẻ bề ngoài rất ngầu nhưng thực ra lại mang trong mình nhiều tổn thương, chính tính cách nội tâm gai góc của nhân vật đã hấp dẫn tôi đến với vai diễn. Đây là một trải nghiệm mới và cơ hội với tôi".

Cái khó của đề tài hậu chiến là phải liên kết các vấn đề vào đời sống hiện đại, song hành cùng hiện tại chứ không đơn thuần là kể lại câu chuyện xưa cũ. Và quả thực bộ phim đã chạm được vào trái tim của khán giả.

Khắc họa chân thực hình tượng người lính với trái tim nhân ái, cao đẹp

Bên cạnh việc hóa giải những xung đột, hiểu lầm của một gia đình ở những năm 70 của thế kỷ trước, bộc lộ tinh thần đại đoàn kết dân tộc cùng hướng về cội nguồn đất mẹ, "Khúc mưa" còn ca ngợi phẩm chất cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ thông qua nhân vật Hai Lân. 

Nhân vật Hai Lân là người bước ra từ trong chiến tranh, mang trong mình những vết thương mà chiến tranh để lại, nhưng ẩn sâu trong tâm hồn lại là sự cảm thông, lòng vị tha và trái tim đầy tình yêu cuộc sống. Hai Lân có thể coi là chiếc chìa khóa để giải đáp mọi khúc mắc, là cầu nối để xóa bỏ thù hận của mẹ con Kevin.

"Chỉ có tình yêu của Hai Lân mới vỗ về được sự cô đơn của vợ, hàn gắn được những tổn thương trong trái tim của Kevin sau bao năm lưu lạc. Đó là thứ tình yêu đầy độ lượng của người chiến sĩ, người vào sinh ra tử ở chiến trường hiểm nguy. Hai Lân thật sự là một hình tượng đẹp của người lính cụ Hồ, người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam", Đại tá, NSƯT Phạm Tiến Cường chia sẻ cảm xúc về nhân vật Hai Lân.

Với 120 phút phim, khán giả sẽ có cảm nhận rõ ràng hơn về những mất mát, đau thương mà chiến tranh để lại. Nó không chỉ hiện hữu mà mắt thường có thể nhìn thấy, nó hằn sâu trong tâm trí, trong cảm xúc. Đề cao tình mẫu tử thiêng liêng, tình cảm gia đình, tình thân, tình người, "Khúc mưa" thực sự trở thành một “cơn mưa” đầu hè mát lành, thổi luồng gió mới vào điện ảnh nước nhà trong những ngày tháng tư lịch sử.

Thu Hiền / VOVTV

Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV