Tối 24/10, nhân kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã được thưởng thức vở kịch hát “Ngàn năm mây trắng” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là lần thứ 2, vở kịch hát “Ngàn năm mây trắng” được công diễn ở “thánh đường nghệ thuật” sau khi ra mắt công chúng Thủ đô tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV hồi đầu tháng 10 vừa qua và giành Huy chương Bạc. Trước đó, vở diễn đã được giới thiệu tới công chúng tại Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát VOV.
Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương...
Chuyển thể từ kịch bản văn học của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, “Ngàn năm mây trắng” do NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam và NSND Triệu Trung Kiên - Phó GĐ Nhà hát Cải lương Việt Nam đồng đạo diễn.
Điểm nhấn của vở kịch hát "Ngàn năm mây trắng" là sự pha trộn của Cải lương, Chèo, Hát Xẩm và Ca Huế trong cùng một tác phẩm. Đó cũng là phép thử của ê kíp sáng tạo với mong muốn đổi mới sân khấu nghệ thuật truyền thống để tiếp cận với khán giả.
Theo chân nàng Tô Thị đi tìm chồng là những không gian, những câu chuyện được kể lại mang tính tự sự và mỗi không gian được xử lý dưới một hình thức sân khấu riêng của từng loại hình sân khấu truyền thống.
Khi nàng Tô Thị được tin chồng hy sinh qua lời kể của người em kết nghĩa được các nghệ sĩ cải lương thể hiện với những làn điệu độc đáo như: Chiêu quân, Vọng cổ, Lý chiều chiều, Hoài cổ.
Nàng Tô Thị lang thang đi tìm chồng ở một vùng sơn cước và gặp một gánh hát chèo được ông trùm gánh hát chèo kể lại câu chuyện về một người tưởng như là chồng nàng bằng hình thức sân khấu chèo dân gian với những làn điệu chèo cực độc đáo như: Vỉa ngâm, Lẩy Kiều ,Bản Tiểu.
Tại đây, nàng được nghe câu chuyện về một Trần Khôi - vị tướng văn võ toàn tài lưu lạc đến phương Bắc, được công chúa đem lòng yêu mến và muốn lấy làm chồng.
Tuy nhiên, vì không muốn phụ bạc người vợ hiền ở quê nhà, Trần Khôi từ chối làm phò mã. Điều này khiến nhà vua vô cùng tức giận. Vua lập tức ra lệnh xử tử Trần Khôi.
Tô Thị nghe câu chuyện về Trần Khôi rất đau lòng. Tuy nhiên, nàng không tin chồng mình đã chết. Nàng cùng Trương Lỗ tiếp tục lên đường tìm Trần Khôi.
Không gian thứ ba được thể hiện là Tô Thị đến một vùng cao gặp một bà già hát rong cùng một đứa bé và lại được nghe kể về một người đồn là chồng nàng với những làn điệu xẩm như: Xẩm ba bậc, Xẩm chợ, Ngâm sa mạc…
Lần này, Trần Khôi bị một thương nhân dụ dỗ vượt biên sang phương Bắc hưởng vinh hoa phú quý.
Không gian cuối cùng là ngôi đền Tứ Phủ khi nàng và Trương Lỗ tới thì gặp cô Đồng với những làn điệu hát văn Huế như: Trống quân, Hát Tử vi…
Với thời lượng 90 phút, vở kịch có sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam cùng một số nghệ sỹ, diễn viên và Dàn nhạc dân tộc Nhà hát VOV.
Các nghệ sĩ tham gia vai chính đều là những giọng ca tài năng của từng loại hình sân khấu: NSƯT Thu Trang (vai Tô Thị), Quang Khải (vai Trương Lỗ), Tuấn Thanh (vai Trần Khôi), NSƯT Văn Chương (vai Trần Khôi 2), Tất Dũng (vai Trần Khôi 3), Đăng Kiên (vai Trưởng trò gánh hát chèo), Hạnh Ngân (vai Công chúa), NSƯT Minh Phương (vai bà già hát xẩm)…
Ngoài diễn xuất của dàn diễn viên các nhà hát, "Ngàn năm mây trắng" được đầu tư về phần thiết kế mỹ thuật với những hình ảnh mang phong cách tranh dân gian Việt Nam, nhằm xây dựng nên một tác phẩm sân khấu mang âm hưởng dân gian đương đại, tôn vinh những nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam.
"Ngàn năm mây trắng" tôn vinh hình tượng cao đẹp của nàng Tô Thị; những chiến binh Việt Nam quả cảm; những người dân, những thôn xóm, phố thị giàu lòng yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, nhân văn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của cha ông.
Các đại biểu quốc hội vô cùng ấn tượng với nét độc đáo của vở diễn cùng lối diễn xuất của dàn diễn viên.
"Ngàn năm mây trắng" nhận được những tràng pháo tay không ngớt từ phía khán giả.
Người xem cảm nhận đây là vở diễn khó vì để lột tả hết các loại hình nghệ thuật trên kết hợp với nhạc, lời diễn và cách diễn xuất đòi hỏi không chỉ cần có một kịch bản, chỉ đạo nghệ thuật kỹ lưỡng mà còn phải ở sự sáng tạo của các nghệ sĩ.
“Ngàn năm mây trắng” sau đó sẽ tiếp tục công diễn phục vụ công chúng ở Nhà hát VOV, Nhà hát Lớn Hà Nội, trên các kênh sóng phát thanh, truyền hình của VOV, một số đài phát thanh, truyền hình và một số địa phương trong cả nước.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cùng các đại biểu tặng hoa các nghệ sĩ tham gia biểu diễn.
Vũ Toàn - Hà Phương/VOV.VN