Phong tục kỳ lạ và…
Một ngày chủ nhật giữa tháng Chạp, trong tiết trời se lạnh của vùng cao, chúng tôi có mặt ở nhà vợ chồng anh Đinh Thanh Bằng, Trần Thị Nga (ở xã Yên Hoá, huyện Minh Hoá) chứng kiến không khí làm cỗ "giỗ sống" bố mẹ mình. Ngay từ sáng sớm tinh mơ, chị Nga tất bật đi chợ mua thức ăn, anh Bằng thì giúp vợ đồ xôi, làm gà… Khi mọi thứ đã chế biến xong xuôi, vợ chồng chị Nga dọn cỗ lên bàn. Mâm cỗ có đầy đủ những sản vật của Minh Hóa mà vợ chồng chị tự tay làm lấy: Cơm nếp, cơm tẻ, một con gà, thịt heo, cá khe, nõn chuối rừng hầm với giò heo, bánh chưng, bánh ít, rau rừng...
Dọn xong cỗ, vợ chồng chị Nga đứng vòng tay, lễ phép nói: "Năm hết, Tết đến, hôm nay chúng con làm mâm cơm đạm bạc dâng lên cha mẹ. Mời cha mẹ dùng bữa. Chúc cha mẹ sức khỏe, sống lâu trăm tuổi cùng các con, các cháu", anh Bằng thay mặt vợ mời cha mẹ dùng bữa.
Ông bà Phụ (những người sinh thành ra anh Bằng) ngồi vào bàn, vợ chồng chị Nga đứng cạnh, người rót rượu, người gắp thức ăn phục vụ bữa cho ông bà. Chị Nga cho biết: mâm cỗ làm dâng bố mẹ chồng chỉ có duy nhất thịt heo mua ở chợ về, còn lại là sản vật tự kiếm, tự có. Và từ khi có lập gia đình, năm nào gia đình chị Nga cũng làm để động viên bố mẹ có thêm sức khoẻ, sống lâu với con cháu.
Bữa “giỗ sống” của vợ chồng anh Bằng, chị Nga đối với bố mẹ
Những người cao niên ở vùng rẻo cao Minh Hóa cho đến nay vẫn chưa ai biết được tục giỗ sống dịp Tết Nguyên đán có từ bao giờ. Mà cứ bắt đầu tháng chạp âm lịch, nhà nào nhà nấy ai cũng cần mẫn soạn sửa làm một mâm cơm dâng lên những bậc sinh thành ra mình là ông bà, cha mẹ. Việc làm đạo hiếu này đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Minh Hóa từ bao đời nay.
Tục giỗ sống xuất phát từ câu chuyện về lòng hiếu thảo của một chàng trai người Nguồn đối với mẹ mình. Tương truyền, từ xa xưa, người dân Minh Hóa sống chủ yếu nhờ vào nương rẫy. Ngoài công việc phát rẫy làm nương sản xuất lương thực, họ còn tranh thủ săn bắt thú rừng để cải thiện bữa ăn. Nhờ đó cuộc sống của họ cũng luôn sung túc ấm no.
Nhưng rồi một năm nọ, vùng đất này xảy ra tai ương mà không biết nguyên nhân từ đâu. Năm đó liên tục xảy ra hạn hán rồi lại lũ lụt dẫn đến mùa màng thất bát, dân làng đói khổ, bệnh tật. Trong làng có một cụ bà ốm thập tử nhất sinh, nghĩ mình sẽ không thể qua khỏi nên buột miệng nói: "Giá mà được ăn một bữa ngon như trước thì có nhắm mắt cũng thỏa lòng". Người con dâu của bà nghe được, liền đem chuyện kể lại cho chồng.
Hai vợ chồng thương mẹ, nhưng nhà nghèo không có tiền để mua những món ngon nên bèn đem chút thóc giống cuối cùng của nhà ra giã gạo thổi cơm. Người chồng cũng không quản ngại trời rét buốt của tháng 12 âm lịch, lặn lội ra suối bắt cá. Người vợ ở nhà thì làm thịt con gà cuối cùng của gia đình, sắp sửa một bữa cơm thịnh soạn cho mẹ ăn. Kỳ lạ thay, khi ăn bữa cơm đấy người mẹ khỏi bệnh và mạnh khỏe trở lại như thường đón Tết cùng con cháu.
Năm sau đó, gia đình người con ăn nên làm ra, có của ăn của để. Một thời gian sau, dân làng biết chuyện đều nói là nhờ con cái hiếu thảo nên trời đất phù hộ. Từ đó, cứ vào dịp Tết đến là các gia đình trong vùng đều học theo anh trai làng hiếu thuận chọn thức ăn ngon nhất dâng lên cha mẹ để báo đáp bậc sinh thành. Mâm cỗ dâng lên ông bà, cha mẹ được làm rất tỉ mẩn và thường là những món ăn cha mẹ ưa thích.
Mâm cỗ “giỗ sống” có rất nhiều món ăn truyền thống là sản vật được lấy từ núi rừng Minh Hoá
Tính nhân văn sâu sắc
Người Nguồn quan niệm rằng, cha mẹ mỗi năm mỗi tuổi, ngày càng già yếu. Khi cha mẹ còn sống thì phải chăm sóc ăn uống tươm tất, chứ đến khi về với tổ tiên rồi thì có muốn báo hiếu cũng chẳng được nữa nên mới có tên gọi là "giỗ sống".
Mâm cỗ làm "giỗ sống" trước Tết Nguyên đán nhiều hay ít, sang trọng hay không không quan trọng, cốt là ở tấm lòng thành kính của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Mâm cỗ không nhất thiết phải cao sang nhiều món, mà cốt ở con cháu hiểu được tâm lý ông bà, bố mẹ thích ăn gì, ăn được nhiều để khỏe mạnh sống lâu trăm tuổi là ý nguyện mong muốn của người làm cỗ.
Bà Đinh Thị Phụ ở xã Yên Hóa cho biết: "Gia đình con cháu dù giàu hay nghèo, mâm cỗ to hay nhỏ thì cũng không thể thiếu các thức ăn truyền thống của người Nguồn. Càng nhiều thức tự tay làm lấy thì càng thể hiện sự thành kính đối với cha mẹ. Muốn "bưng cỗ Tết" phải thông báo trước một ngày cho cha mẹ biết để không nấu cơm và tránh trùng với người con khác".
Cũng tùy điều kiện, hoàn cảnh từng nhà để bố trí mâm cỗ hợp lý, vui lòng bố mẹ, ông bà. Lúc thì mỗi người con (đã có nhà riêng) làm một mâm cỗ rồi bưng đến biếu ông bà, cha mẹ, có khi cả mấy anh em tập trung tại nhà bố mẹ để cùng làm vừa báo hiếu bố mẹ, vừa đoàn tụ gia đình để bảo ban nhau những việc trong năm đã làm được và còn thiếu sót cần phải khắc phục vươn lên.
“Giỗ sống” còn gọi là bưng cỗ tết cũng là dịp để anh em, con cháu trong gia đình đoàn tụ quan tâm nhau sau một năm làm lụng vất vả
Ông Đinh Văn Chinh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Minh Hóa cho biết: "Tục giỗ sống là một nét văn hóa đẹp của đồng bào Nguồn ở huyện Minh Hóa, truyền thống này có từ xa xưa nhưng đến nay vẫn giữ nguyên bản sắc. Dù cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại nhưng đối với mỗi người con nơi đây, dù đi làm ăn xa, cứ mỗi độ Tết đến xuân về cũng đều nhớ về quê hương, nhớ gia đình. Đây cũng là dịp để con cháu sum vầy và báo hiếu lên những bậc sinh thành".
Được gìn giữ, lưu truyền từ bao đời, đến nay không chỉ người dân Minh Hóa mà một số người dân vùng phụ cận cũng học tập làm theo. Và không chỉ trên mảnh đất rẻo cao Minh Hóa mới có phong tục kỳ lạ này mà những người con Minh Hóa đi làm ăn xa xứ có gia đình cháu chắt, hàng năm cũng tổ chức bưng cỗ Tết tại nơi đang sinh sống làm việc nên tục "giỗ sống" được lan tỏa khắp nơi.
Qua bao thời gian, cuộc sống người dân Minh Hóa có nhiều đổi thay hiện đại, nhưng tục "giỗ sống" vẫn được người dân nơi đây lưu truyền gìn giữ, là một nét đẹp truyền thống đầy tính nhân văn sâu sắc.
Theo toquoc.vn