Làng gốm Thanh Hà nằm bên sông Thu Bồn, có niên đại khoảng 500 năm, cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 2km về hướng Tây. Nơi đây, có nghề thủ công truyền thống lâu đời sản xuất các loại gốm và gạch ngói phục vụ xây dựng. Đặc biệt là ngói âm dương để trùng tu nhà cổ ở Xứ Quảng. Cư dân, nghệ nhân của làng gốm Thanh Hà có nguồn gốc chủ yếu ở các vùng Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương vào định cư khoảng cuối thế kỉ 15.
Buổi đầu sơ khai, khi đồ dùng chủ yếu làm từ gốm sứ, đất nung sau đó cư dân nơi đây đã tiếp tục phát triển thêm. Vào khoảng năm 1516, tại làng Thanh Chiêm (nay là khối 6 phường Thanh Hà), do không hợp phong thủy nên dời lên Nam Diêu (tức khối 5 phường Thanh Hà ngày nay). Trải qua hàng mấy thế kỷ, Làng gốm Thanh Hà đã phát triển mạnh mẽ, cung cấp các sản phẩm gốm gia dụng phục vụ sinh hoạt và cung cấp gạch ngói kiến thiết các công trình kiến trúc ở Khu phố cổ Hội An và nhiều nơi khác.
Làng gốm cổ Thanh Hà (TP Hội An)
Sản phẩm của làng gốm Thanh Hà đã được ghi danh trong phần thổ sản Quảng Nam ở sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán Triều Nguyễn xuất bản cách đây hơn 100 năm.
Hiện nay, Làng gốm Thanh Hà vẫn duy trì sản xuất, phục vụ du khách tham quan du lịch và đặc biệt trở thành một làng nghề còn bảo tồn tốt cảnh quan làng quê, làng nghề của tỉnh Quảng Nam.
Theo VH-TT&TT-TH TP Hội An: Sau những năm bảo tồn và phát triển, hiện nay hằng năm làng gốm Thanh Hà đón trên 500 ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm tự tay làm gốm. Mỗi năm làng gốm Thanh Hà cũng đã thu về khoảng 20 tỷ tiền vé tham quan và là làng nghề truyền thống duy nhất tại Quảng Nam trả lương cho các nghệ nhân làm nghề gốm.
Tại đây còn có bảo tàng, công viên gốm là nơi duy nhất lưu giữ và trưng bày tất cả các loại gốm cổ từ những làng gốm truyền thống cả Việt Nam qua các niên đại. Nơi đây cũng là nơi sáng tác và giao lưu của các nhà điêu khắc, hội họa ở Việt Nam và quốc tế.
Hoài Thu/ cand.com.vn