Làng Quán Hương (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) là làng nghề sản xuất truyền thống gồm 100 hộ tham gia với hơn 300 lao động
Nguyên liệu làm hương gồm bột cưa, quế, thuốc bắc, trầm hương, bột dẻo và nước lã rồi sau đó cho vào máy trộn đều
Tăm hương được người dân nhập từ Hà Nội về với giá 26.000 đồng/kg, rồi nhuộm màu và đem phơi khô
Công đoạn se hương hiện được thực hiện bằng máy. “Trước đây người dân làm thủ công, nhưng từ hơn 10 năm nay đều làm bằng máy giúp tăng năng suất, rút ngắn được nhiều thời gian giao sản phẩm cho khách”, bà Võ Thị Nga với hơn 20 năm trong nghề làm hương chia sẻ
“Bình thường cơ sở của tôi sản xuất hơn 1 tạ bột/ngày, đến đợt Tết thì tăng lên 2 tạ/ngày khi trời nắng ráo. Làm mùa Tết tuy vất vả nhưng được cái tiêu thụ nhanh, hàng chúng tôi làm sẵn trong năm khi đến dịp Tết là tiêu thụ hết”, chị Nguyễn Thị Tuyết - một người làm hương hơn 15 năm cho hay
Nghề làm hương tại làng thu hút mọi lứa tuổi tham gia, từ trung niên là lực lượng lao động chính đến các cụ già và em nhỏ. Người dân trong làng làm nghề quanh năm nhưng trong dịp Tết là nhộn nhịp nhất
Ngày nắng ráo, người dân thường phơi hương khoảng 4 tiếng đồng hồ. Những ngày này đến với làng Quán Hương, bạn sẽ được chứng kiến cảnh những dàn hương được phơi khắp các ngõ xóm, sân nhà
Trung bình mỗi ngày làng Quán Hương sản xuất gần 5 tấn hương thành phẩm các loại và chỉ sản xuất 6 tháng/năm. Vào dịp Tết, mỗi ngày làng sản xuất khoảng 15 tấn
Nét đặc trưng trong sản phẩm làng Quán Hương là bột hương được làm từ hai hỗn hợp chính gồm bột quế Trà My (một loại đặc sản của vùng đất xứ Quảng) và bột vỏ cây bời lời đỏ ở vùng đất Tây Nguyên. Chính vì vậy thẻ hương có mùi thơm ngát, tốc độ cháy chậm và ít gây hại cho sức khỏe
“Mỗi năm làng sản xuất gần 1.000 tấn hương bán trong nước và xuất khẩu qua Lào, trong đó cao điểm là dịp trước Tết”, Trưởng Ban đại diện làng nghề Quán Hương cho biết
Công Bính-Ngô Linh/dantri.com.vn