Tìm hiểu nghề làm hương truyền thống, chúng tôi đến Thôn Bản Tát yên bình nằm trên những quả đồi thoai thoải với những nếp nhà sàn thấp thoáng sau dặm cọ. Toàn thôn có 120 hộ, trong đó có 10 hộ thường xuyên làm hương truyền thống.
Quy trình làm hương của người dân Bản Tát cơ bản là thủ công; hương liệu được lấy tự nhiên như: Vầu, quế, vỏ cây dây (theo tiếng gọi địa phương). Chính vì được làm từ những nhiên liệu như vậy nên hương của người dân Bản Tát khi thắp có mùi thơm tự nhiên, không độc hại và rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo người dân Bản Tát, Hà Giang, nghề làm hương được bà con duy trì quanh năm nhưng làm nhiều nhất là những tháng giáp Tết Nguyên đán và rằm tháng Riêng, rằm tháng Bảy. Những dịp như vậy mỗi gia đình phải làm đến 700 - 800 bó hương/tháng. Với giá bán như hiện nay là 10.000đ/bó thì hàng năm mỗi gia đình cũng có thu nhập từ nghề làm hương từ 20- 30 triệu đồng.
Thôn Bản Tát với những nếp nhà sàn truyền thống thấp thoáng sau những dặm cọ, ở đây người dân vẫn giữ được nghề làm hương truyền thống có từ cả trăm năm trước. Vầu được trồng hoặc mọc tự nhiên xung quanh nhà, đây là nguyên liệu chính để người dân Bản Tát làm tăm hương. Bà Hà Thị Nữ đã có nhiều năm làm hương truyền thống cho biết, để hương thắp không bị tắt thì cây vầu sau khi tước thành tăm phải ngâm nước 3-4 ngày rồi vớt phơi khô. Ngoài vầu thì vỏ cây dây (theo tiếng gọi địa phương) được người dân lấy từ rừng sâu mới có, nguyên liệu này có tác dụng kết dính các hương liệu khác trên cây hương. Các hương liệu được bà Nữ phơi khô và nghiền thành bột, sau đó là bước thực hiện kết dính các hương liệu đó với tăm hương. Hương được phơi trong vòng 2 nắng là có thể sử dụng.
Các bó hương được bà Nữ làm để bán, mỗi bó gồm 60 tăm hương và được bán với giá 10 nghìn đồng/bó.
Lê Lâm, báo Hà Giang