Được xây dựng trong khuôn viên Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam rộng hơn 30ha ở Cao Phong, Hòa Bình, Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam là bảo tàng đầu tiên giới thiệu về các ngành khoa học, nơi kể những câu chuyện về lịch sử khoa học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX thông qua những con người cụ thể. Đây cũng là nơi lưu trữ những kỷ vật, hiện vật, tài liệu trong quá trình nghiên cứu của nhiều nhà khoa học Việt Nam.
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định: "Với mục đích bảo tồn và vinh danh những đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức và nền khoa học Việt Nam trong công cuộc bảo vệ xây dựng và phát triển đất nước, sự ra đời của Bảo tàng di sản các nhà khoa học Viêt Nam là kết quả tất yếu sau hơn 13 năm bền bỉ, kiên trì chuẩn bị của Trung tâm và công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam qua quá trình nghiên cứu, sưu tầm.
Được sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh Hòa Bình, Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam là bảo tàng ngoài công lập thứ 58 được cấp phép hoạt động, đồng thời là bảo tàng thứ 186 trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Từ nay, thiết chế văn hóa này sẽ trực tiếp góp phần vào công tác giáo dục truyền thống ý thức gìn giữ và tôn vinh bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu phổ biến kiến thức và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của công chúng”.
Với những hiện vật, tài liệu thu thập được từ các nhà khoa học, Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam không chỉ giới thiệu đến công chúng tiến trình lịch sử khoa học hơn 100 năm qua, về những đóng góp của thế hệ các nhà khoa học Việt Nam cho khoa học và đời sống, mà còn giúp công chúng, những người quan tâm hiểu rõ hơn về lịch sử ngành, hoặc về các vấn đề khoa học.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn của Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) cho biết: “Đến nay Bảo tàng đã sưu tầm và gìn giữ được hơn 800.000 tài liệu hiện vật, hàng trăm nghìn phút ghi âm, ghi hình của 2000 nhà khoa học ở mọi lĩnh vực và mọi miền đất nước. Đây thực sự là những di sản có ý nghĩa không chỉ đối với cá nhân và di sản của quốc gia, của lịch sử dân tộc.
Trong những năm qua chúng tôi đã thực hiện 7 cuộc trưng bày cả Hà Nội và Hòa Bình, xuất bản 2 bộ sách "Di sản ký ức của nhà khoa học" gồm 8 tập,“Những câu chuyện hiện vật” gồm 4 tập. Ngoài ra còn biên soạn, tham gia xuất bản 4 cuốn sách và hàng chục bộ phim về cuộc đời các nhà khoa học.”
Tại sự kiện, MEDDOM cũng tổ chức lễ tiếp nhận hàng trăm tài liệu hiện vật của nhà khoa học thứ 2000 - PGS.TS Lê Văn Truyền. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, PGS Truyền đã công bố hàng trăm bài báo nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Ông là phó chủ nhiệm dự án "Phát triển sản xuất Artemisinin từ thanh hao hoa vàng" - công trình khoa học được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
PGS.TS Lê Văn Truyền chia sẻ: "Trong khoảng 4, 5 năm gần đây, tôi có dịp được làm việc với lãnh đạo và nghiên cứu viên của Trung tâm và công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, rất ấn tượng và cảm phục phương pháp làm việc khoa học, tinh thần cần cù, kiên nhẫn, thận trọng, tỉ mỉ và chính xác của các bạn khi thực hiện việc thu thập, bảo quản các hiện vật, tư liệu, tài liệu cũng như ghi lại trung thực những câu chuyện gắn bó với các hiện vật và cuộc đời của các nhà khoa học.”
Việc cấp phép hoạt động cho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam đánh dấu mốc quan trọng trên hành trình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam, trong đó di sản của các nhà khoa học là khái niệm còn mới mẻ. Đây sẽ là nơi học tập, tìm hiểu những giá trị, phẩm chất của các nhà khoa học nhằm tạo động lực, cảm hứng cho các đối tượng, nhất là thế hệ trẻ.
Thủy Tiên / VOV1
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |