Hàng năm, sau mùa thu hoạch, đồng bào dân tộc Ê Đê sẽ tổ chức lễ cúng bến nước, với mục đích là tạ ơn thần nước và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cho thóc đầy nhà, ngô đầy sân…
Tục cúng bến nước có khi từ khi hình thành các buôn làng. Cúng để các vị thần biết nơi đó có dân làng sinh sống mà ban cho nguồn nước trong lành, không bao giờ cạn, để mọi người đều khỏe mạnh.
Người tìm ra bến nước được mọi người gọi là chủ bến nước. Lễ cúng bến nước thường do người chủ bến nước của buôn làng đứng ra tổ chức nhưng đây là việc chung của cả buôn làng nên sẽ được già làng trực tiếp phân công. Vài ba ngày trước khi buổi lễ diễn ra, già làng sẽ thông báo để mọi người tập trung dọn vệ sinh buôn làng và xung quanh khu vực bến nước. Bến nước sẽ được trang hoàng đẹp đẽ bằng nhiều đồ vật trang trí và các loại lá cây cỏ. Trong ngày diễn ra lễ cúng, mọi người có mặt tại nhà chủ bến nước từ sáng sớm, ai nấy đều lo phần việc của mình theo sự phân công của già làng.
Thầy cúng chuẩn bị đồ để làm lễ cúng bến nước.
Lễ cúng diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng. Thầy cúng sẽ chủ trì lễ cúng với mâm đồ cúng thường là các con vật hiến sinh như dê, gà, heo và rượu cần. Tùy theo điều kiện kinh tế của từng buôn làng và tập tục của từng nơi có thể làm to nhỏ khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là một chậu tiết loãng.
Lễ cúng gồm ba phần. Phần thứ nhất cúng tại bến nước, tiếp đó là cúng tại hàng rào trước khi mang nước vào nhà và cuối cùng là cúng tại nhà của chủ bến nước. Sau khi cúng xong ở bến nước, mọi người sẽ lấy nước mang về nhà để lấy phước. Trong khi đó, một nhóm người sẽ theo chủ lễ đến cầu thang từng nhà và rưới tiết vào chân cầu thang để cầu may cho gia chủ. Kết thúc nghi lễ, cả buôn làng tập trung về nhà dài để ăn tiệc, uống rượu cần và nhảy múa trong tiếng cồng chiêng rộn rã.
Cúng tạ thần nước đã đem lại những may mắn trong năm cũ và cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Lễ cúng bến nước là một trong những nghi lễ quan trọng của đồng bào Ê Đê. Họ quan niệm nước còn quan trọng hơn cả cơm ăn, áo mặc bởi không có cơm còn sống được cả tháng, không có áo thì chỉ bị lạnh nhưng không có nước thì không thể sống được.
Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, lễ cúng bến nước còn mang thông điệp về ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước sạch… Và đó cũng chính là bảo vệ sức khỏe của chính chúng ta.
Phạm Dương (Tổng hợp)