Lễ hội ADa Koonh là Lễ hội cúng mừng lúa mới của người Pa Cô, được tổ chức 5 năm một lần hoặc sớm hơn khi làng được mùa lớn, nhằm thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến "Mẹ Lúa" và các loại giống cây trồng; đồng thời, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, đem lại mùa màng bội thu cho năm sau. Lễ hội ADa Koonh thường được tổ chức vào dịp cuối năm, sau khi thu hoạch xong vụ mùa; mỗi làng sẽ chọn một ngày đẹp nhất trong khoảng thời gian này để tổ chức.
Nghi lễ cúng mời Mẹ Lúa tại Nhà Văn hóa thôn. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Lễ vật để cúng là cơm trắng, xôi, bánh, gà, heo, dê và các loại giống cây trồng. Lễ hội ADa Koonh được tiến hành gồm nhiều nghi lễ: Lễ tẩy rửa, lễ chuẩn bị, lễ mời "Mẹ Lúa" vào nhà, lễ cúng các vị giống cây trồng, lễ cúng Giàng xứ, lễ cúng những người đã khuất; lễ cúng các vị thần; lễ ăn cơm mới và kết thúc bằng nghi lễ tiễn khách. Trong đó, nghi lễ độc đáo và quan trọng nhất là Lễ mời Mẹ Lúa vào nhà.
ADa Koonh không chỉ là nghi lễ cúng tế thần linh, là ngày tết vui tươi nhộn nhịp của cộng đồng, mà còn thể hiện tình đoàn kết, tình cảm gắn bó thiêng liêng giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên, là một sản phẩm văn hóa hết sức độc đáo, cần được bảo tồn, giữ gìn và phát huy.
Trải qua hàng ngàn năm, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, trong đó có Lễ hội ADa Koonh của người Pa Cô có nguy cơ mai một. Việc phục dựng và bảo tồn nguyên bản Lễ hội sẽ làm sống lại bản sắc văn hóa của đồng bào Pa Cô, huyện A Lưới nói riêng và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.
Ngày 20/12/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4582/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội ADa Koonh của người Pa Cô vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Các dòng họ trong bản mang lễ vật đến cúng Giàng. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh: Lễ hội ADa Koonh của người Pa Cô đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là niềm tự hào của nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung và người Pa Cô, huyện A Lưới nói riêng.
Để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị di sản này, Phó Chủ tịch Nguyễn Dung yêu cầu UBND huyện A Lưới phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy các giá trị lễ hội ADa Koonh, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ di sản, xây dựng kế hoạch và giải pháp khai thác có hiệu quả, phục vụ công tác giáo dục truyền thống văn hóa, gắn kết phát triển du lịch dịch vụ làm đa dạng các loại hình di sản văn hóa và góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tường Vi/ TTXVN