Văn hóa

Lời ca tiếng nhạc đầu tiên trên Đài Tiếng nói Việt Nam

17:35 - 07/09/2020
Những nghệ sĩ Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thủa ban đầu, đem lời ca tiếng hát, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Như các mọi công việc lớn nhỏ trong thời kỳ đầu đất nước độc lập, mọi người đến tham gia tự nguyện bằng tất cả nhiệt tình. Ca nhạc trên sóng Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam khi đó được khởi nguồn từ dàn nhạc nổi tiếng điêu luyện của Hội Khuyến nhạc, đội ngũ hùng hậu của đoàn Quân nhạc, tiếng hát hồn nhiên của các em nhạc sinh quân, và những ca sĩ tài tử từng được hâm mộ...

Hồi đó, hai tiếng “thù lao” chưa bao giờ xuất hiện trong ý thức của các nghệ sĩ và quần chúng nhân dân. Mọi người hào hứng đến đóng góp cho làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Căn phòng thu thanh nhỏ ở số 2 Phạm Ngũ Lão chỉ đủ chỗ đứng cho năm, bảy nhạc công và một vài ca sĩ. Mỗi khi đoàn Quân nhạc bề thế với kèn trống cồng kềnh tới biểu diễn đều phải ngồi thu ngoài sân mới đủ chỗ.

Dàn hợp xướng Đoàn Ca nhạc Đài TNVN năm 1956. (Ảnh tư liệu)

Các bài hát Cách mạng “Nhớ chiến khu”, “Diệt phát xít”, “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Du kích ca”... Rồi các bài du dương “Thiên thai”, “Suối mơ”, “Giọt mưa thu”, “Biệt ly”, “Đêm đông”, “Bóng ai qua thềm”... đều được trình bày hào hứng. Các bản nhạc cổ điển quốc tế “Phiên chợ Ba Tư”, “Dòng sông Đa Nuyp xanh”, “Ave Maria”... cũng thường xuyên vang lên trên sóng…

Trong không khí rạo rực của một dân tộc vừa hồi sinh đang chỉnh tề đội ngũ bước vào cuộc chiến đấu diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, lời ca tiếng nhạc của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam với nhiều màu sắc như lời hiệu triệu, khích lệ toàn dân vượt qua muôn trùng khó khăn.

Nhiệm vụ tuyên truyền không thể thiếu lời ca tiếng hát

Ngày 18/12/1946, thực dân Pháp gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta, đòi tước vũ khí tự vệ... Âm mưu của địch chiếm nước ta đã rõ ràng. 20h01 ngày 19/12/1946, tiếng súng nổ từ pháo đài Láng - Điện Hà Nội tắt. Bản tin cuối cùng của Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi từ Bạch Mai loan tin trọng đại "Tiếng súng kháng chiến ở thủ đô đã bùng nổ”. Sáng 20/12/1946, nhạc hiệu “Diệt phát xít” vẫn vang lên hùng tráng từ các máy thu thanh với lời xướng dõng dạc “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh gần Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Mọi người hiểu rằng, Đài đã rút khỏi Hà Nội.

Ngày rời Hà Nội, Đài chỉ đem theo được chiếc máy hát với một số đĩa do kiều bào ta ở Pháp gửi tặng, Bác Hồ đưa về nhân dịp Người đi Fontainebleau làm khách quýcủa Chính phủ Pháp năm 1946. Số đĩa hát đó thay thế các dàn nhạc sống những ngày còn ở Thủ đô.

Đoàn Ca nhạc Đài TNVN chụp hình tại vườn Phủ Chủ tịch. (Ảnh tư liệu)

Khi Đài chuyển địa điểm đến Bắc Kạn thì đĩa mất, máy hỏng, kim hết. Làm thế nào bây giờ? Không lẽ “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam” mà chỉ phát tin suông, chưa kể nhạc hiệu là thứ tín hiệu khởi động không thể thiếu.

Trong số anh chị em ít ỏi ở Đài khi đó chẳng có ai là nhạc sĩ, không có ai là ca sĩ cả. Chỉ có anh thợ nguội Doãn Phú với cây đàn banjo còn giữ được sau bao nhiêu lần địch tập kích. Thôi thế cũng coi như là có nhạc cụ. Giám đốc Đài Trần Lâm quyết định tất cả mọi người, từ phát thanh viên đến người đánh máy phải tập hát. Trước hết là hai bài “Diệt phát xít” và “Chiến sĩ Việt Nam”.

Phòng thu thanh khi ấy chỉ vỏn vẹn 4m2, cách âm bằng một lớp lá bồi, hai lớp nứa ở giữa và một lớp chiếu bên trong. Một chiếc bàn nứa đặt micro, hai cây bương ghép dài làm ghế, đến lượt ai thu thì ngồi vào đó, sắp xong thì ra hiệu, người tiếp theo rón rén bước vào. Khi thu tự động mở máy tăng âm, đàn hát xong thì lại thò tay tắt máy…

Doãn Phú lần đầu phải đàn trước máy thì run quá. Giám đốc Trần Lâm phải động viên: “Cứ đánh đi, người ta cười thì cười tôi chứ có cười cậu đâu!”. Thế là cây băng-do cầm chịch cho tốp ca hát. Nguyễn Văn Nhất khua tay mạnh mẽ, Lê Quý hát rất hào hứng, Dương Thị Ngân hát dè dặt... từ đó trở thành “Ban nhạc sống” bất đắc dĩ đầu tiên của Đài ở chiến khu. Cứ 3 phút trước khi tất cả đồng ca bài “Diệt phát xít” thì ca 2 lần bài “Chiến sĩ Việt Nam”. Một ngày với chương trình phát thanh các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Lào, Campuchia... “ban nhạc” đều phải tập hợp trước máy để hát như vậy.

Sau Thu đông 1947, địch thay đổi chiến lược từ tốc chiến tốc thắng sang đánh kéo dài và cố mở rộng phạm vi chiếm đóng. Nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ của Đài càng lớn. Đã đến lúc không thể để tình trạng ca nhạc chắp vá và tạm bợ mà cần phải có bộ phận ca nhạc riêng.

NSND Thương Huyền biểu diễn năm 1957. (Ảnh tư liệu)

Những nghệ sĩ mang tinh thần chiến sĩ

Tháng 8/1948 Đỗ Lạc, Đỗ Nhự từ Quân khu I tới. Tiếp đó năm 1949 Trần Thụ, Thương Huyền, Nguyễn An, Trần Tất Toại rồi Mai Khanh, Lê Lôi lần lượt lên Đài.

Đến tháng 5/1949, nhóm ca nhạc Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam hình thành và hoạt động chuyên trách. Nhiệm vụ của nhóm nhạc lúc này được xác định là: Làm nhạc hiệu mở đầu, làm nhạc cắt (trước đó là tiếng chuông), xây dựng buổi ca nhạc hàng ngày từ 10 đến15 phút. Nhạc cụ thô sơ vỏn vẹn một chiếc accordion, một banjo, một violin, một guitar. Tất cả đều cũ kỹ, cái đứt dây, cái long phím, cứ phải dùng băng dính y tế dán lại.

Từ khi Trần Thụ, Thương Huyền và Mai Khanh lên thì nhóm ca nhạc bắt đầu khởi sắc. Thương Huyền vẫn nổi tiếng với các bài “Quay tơ”, “Suối mơ”, “Con chim lạc bạn”, “Ave Maria” “Nhắn gió chiều”. Mọi người thường nói vui chị là “Cần câu thính giả”.

Các nghệ sĩ và đội Hợp xướng Sơn ca chụp hình với Chủ tịch Tôn Đức Thắng. (Ảnh tư liệu)

Nhóm ca nhạc bắt đầu sinh hoạt đều đặn, tập hát, tập đàn. Bên cạnh những bài hát thời đầu Cách mạng như “Bắc Sơn”, “Sơn La”, “Côn Đảo”... nhóm ca nhạc đã bắt đầu phục vụ sát các nhiệm vụ chính trị, từng chiến dịch; mỗi chiến thắng đều được phản ảnh nóng hổi trên làn sóng ca nhạc của Đài “Chiến thắng Lũng Vài”, “Chiến thắng Bông Lau”, “Trường ca Sông Lô 2”, “Trường chinh ca”...

Từ khi có buổi ca nhạc thường xuyên, nhạc sĩ từ các nơi sáng tác được bài nào đều gửi về Đài để kịp thời phổ biến đến quần chúng nhân dân. Tiếng hát trên Đài lúc này có tác động thúc đẩy phong trào sáng tác trong cả nước.

Đời sống của anh chị em ca nhạc cùng chung gian khổ với toàn Đài. Ở rừng, không có người nào thoát được sốt rét, nhưng chỉ cần còn sức là vẫn đứng ra trước micro hát. Ngoài giờ tập đàn, hát, mọi người đều tham gia tăng gia tự túc thêm vào bữa ăn. Mỗi lần Bác Tôn, đồng chí Phạm Văn Đồng, Trần Duy Hưng đến thăm Đài thường đem một chú bò hoặc lợn. Những hôm đó, cả Đài vui như hội.

Năm 1952, Đại hội Văn nghệ toàn quốc họp tại Việt Bắc xác định phương hướng “dân tộc, khoa học, đại chúng” đã quyết định mọi hoạt động văn nghệ, trong đó phương hướng dân tộc nổi lên đậm nét.

Bấy giờ, Trần Thụ được cử đi học Chèo ở đoàn Văn công Trung ương rồi về truyền lại cho anh em. Trần Tất Toại tự khoét sáo bằng tre trúc trong rừng rồi tập. Lê Lôi chơi violin giả thay đàn nhị. Đỗ Lạc gõ phách tre. Thanh la thì đã có vung nồi đồng. Từ đó, bắt đầu có dân ca cổ truyền trên sóng.

NSND Thanh Hoa biểu diễn phục vụ bộ đội tại mặt trận. (Ảnh tư liệu)

“Lúa tháng năm” nổi tiếng của Lê Lôi ra đời trong dịp này. Thư thính giả từ các miền gửi tới, từ trong Nam gửi ra, từ Việt kiều gửi về hoan nghênh ca nhạc Đài, đồng thời yêu cầu Đài dạy hát. Tiết mục dạy hát trên Đài có từ đây.

Cũng trong năm đó, toàn thể cán bộ cơ quan thực hiện chủ trương chinh huấn để chuẩn bị bước vào giai đoạn quyết định của cuộc kháng chiến. Đài CHDC Đức gửi biếu một số băng dây, băng cối thu thanh. Thế là tất cả vốn liếng các bài hát, bản nhạc của nhóm phải ngày đêm luyện lại để thu, chuẩn bị cho anh em đi chinh huấn. Lo ngại việc dây đứt, Đỗ Lạc được cử ở lại trực với “dây” đề phòng bất trắc.

Từ cuối năm 1952-1953, Đài tạm thời không có nhóm nhạc sống nữa. Đỗ Lạc làm nhiệm vụ truyền âm, hàng ngày mở máy phát tin rồi chạy băng dây ca nhạc.

Đến tháng 4/1953, chiến dịch Đông Xuân mở. Giám đốc Trần Lâm đi họp ở Trung ương về, lập tức triệu tập tất cả anh chị em nhóm nhạc trở lại. Lúc này tổ nhạc có thêm anh Tích đánh trống, anh Quang kéo nhị. Như vậy tổ nhạc đã hình thành 1 nhóm nhạc mới và 1 nhóm nhạc cổ truyền. Chủ trương thời gian này là chỉ hát các bài cổ vũ chiến đấu và sản xuất mạnh mẽ. Ngay cả những bài dù có nội dung kháng chiến nhưng giai điệu nhẹ nhàng, trữ tình quá cũng không được hát.

Đoàn Ca nhạc Đài TNVN tại cầu Hiền Lương, sau khi đi biểu diễn ở Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh năm 1961. (Ảnh tư liệu)

Tiếng bước chân dồn dập của những đoàn dân công tiếp vận ngày đêm. Những nòng pháo lớn nhỏ được ngụy trang kỹ càng hối hả ra tiền tuyến, dồn sức người cho cuộc “Tổng phản công”. Tin tức chiến thắng dồn dập bay về Đài. 9 năm kháng chiến gian khổ kết thúc huy hoàng bằng trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Những ca khúc hào hùng “Hò kéo pháo”, “Giải phóng Điện Biên”, “Tiến về Hà Nội”, “Trở về Thủ đô” vang lên trên làn sóng điện, đánh dấu mốc son chói lọi,kết thúc vẻ vang 9 năm kháng chiến trường kỳ, viết nên một trang sử vàng của dân tộc.

Niềm vui ngày trở về Hà Nội xen lẫn nỗi bịn rịn khi phải giã từ núi rừng Việt Bắc, nơi đã che chở, cưu mang cho những người nghệ sĩ, chiến sĩ kháng chiến suốt chín năm, nơi từ đó vang lên những lời ca tiếng nhạc trên Đài. Mỗi thành viên trong Ban ca nhạc Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam có quyền tự hào một cách chính đáng là đã giữ vững phẩm chất người cán bộ kháng chiến trung kiên. Nhữngngười nghệ sĩ – chiến sĩ đã khắc phục muôn vàn khó khăn về nhân lực, về nhạc cụ, về đời sống... đem lời ca tiếng nhạc phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc./.

Theo VOV.VN