Nghề dệt chiếu đang gặp khó khăn vì chiếu bán giá thấp lại khó tiêu thụ
Các cụ cao niên ở làng chiếu Bàn Thạch cho biết, thời hoàng kim, hơn 80% người dân trong làng làm nghề chiếu. Bây giờ, những chiếc chiếu được dệt thủ công không thể nuôi sống người dân. Nhiều người đã chuyển sang làm những công việc khác.
Bà Trần Thị Minh, ở thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: gia đình bà có 3 đời làm chiếu. Trước đây, mỗi ngày, bà làm từ 2 đến 3 đôi chiếu kiếm được trên 400.000 đồng. Nay giá bán chiếu thấp, khó tiêu thụ, mỗi ngày 2 mẹ con bà chỉ dệt một đôi chiếu bán khoảng 120 đồng một đôi, kiếm lãi từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng. Nguyên liệu làm chiếu cũng phải mua từ nơi khác. Bà Minh lo ngại: "Đây là nghề truyền thống làm từ xưa đến nay, mấy năm cũng có đồng ra đồng vào nhưng chừ hơi rẻ quá, bán được mà không đủ ngày công. Tiền công người được 20 ngàn đồng. Nghề truyền thống không thể bỏ được."
Làm chiếu ở làng nghề Bàn Thạch
Tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có hơn 100 hộ dệt chiếu. Chiếu Bàn Thạch sử dụng cây lác, cây cói, dệt hoàn toàn thủ công, với 3 màu chủ đạo là tím, trắng và vàng. Nguyên liệu được lấy từ những cây cói, cây lác trồng ở địa phương này. Ông Lê Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết: tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chương trình hỗ trợ các làng nghề truyền thống nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn: "Hầu như các ngành nghề mang tính truyền thống đang mai một bởi vì hiệu quả kinh tế không cao. Trong đó, đặc biệt là làng chiếu cói. Để phát triển làng nghề thì tỉnh cũng có chương trình hỗ trợ cho các làng nghề phát triển nhưng thực ra với sự hỗ trợ đó chưa đem lại hiệu quả cao cho các làng nghề."
Ông Mai Đình Lợi, Chi cục Trưởng Chi cục phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: Các làng nghề truyền thống hiện nay hiệu quả kinh tế rất thấp. Bà con các làng nghề truyền thống không mấy ai mặn mà với nghề. Các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đang tính đến hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Tỉnh Quảng Nam có nhiều chương trình hỗ trợ các làng nghề
Theo ông Lợi, nên hỗ trợ người dân làng nghề khôi phục, phát triển nghề truyền thống: "Bây giờ chiếu trúc, chiếu tre nhiều quá nên chiếu cói tiêu thụ khó khăn. Hướng tới tỉnh sẽ cố gắng hỗ trợ bà con phát triển thêm đa dạng hóa các sản phẩm từ cói lác, kể các sản phẩm chiếu gắn với du lịch cộng đồng ở vùng này, gắn với chuỗi du lịch từ Hội An qua. Đối với sản phẩm chiếu đề nghị tham gia vào chương trình mỗi xã một sản phẩm để có sự hỗ trợ, giúp cho bà con quảng bá sản phẩm tốt hơn. UBND tỉnh đã có văn bản, đầu năm 2020 sẽ khảo sát toàn bộ phát triển làng nghề, ngành nghề, sau đó xây dựng Đề án và chính sách để hỗ trợ cho làng nghề và ngành nghề ở nông thôn"./.
Tuyết Lê/VOV miền Trung