Đây là chương trình cầu Phát thanh - Truyền hình đặc biệt với 3 điểm cầu: Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội), Bến Nhà Rồng (Thành phố Hồ Chí Minh) và Khu Di tích Lịch sử đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), tôn vinh giá trị trường tồn Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, củng cố khối Đại đoàn kết dân tộc, thực hiện mục tiêu độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Đến dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội có ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Uông Chu Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và nhiều uỷ viên Trung ương, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Tại cả ba điểm cầu, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, các đại biểu và khán giả trang nghiêm, tưởng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai điệu trầm hùng của bài hát "Lãnh tụ ca".
Bác đã đi xa nhưng di chúc của Người vẫn còn mãi với thời gian; để lại "muôn vàn tình thương yêu" với quân và dân cả nước với mong ước cháy bỏng: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
"Muôn vàn tình thương yêu" là chương trình cầu phát thanh - truyền hình mang tính Chính luận - Nghệ thuật quy mô lớn trên toàn quốc đầu tiên được Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh.
Điểm đặc biệt của chương trình “Muôn vàn tình thương yêu” chính là các tiểu phẩm kịch. Lần đầu tiên, một chương trình cầu truyền hình ở Việt Nam có các tác phẩm kịch nói. Bên cạnh đó, một điểm nhấn khác là các nghệ sĩ của 3 miền Bắc – Trung – Nam cùng chung bản hoà ca về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời là đất nước được thống nhất, non sông liền một dải.
Chương trình có những màn hợp xướng hùng tráng cùng với dàn múa đông đảo, được dàn dựng cầu kỳ, công phu
Nghệ sĩ Quách Xuân Thông (vai Vũ Kỳ) và Nguyễn Minh Hải (vai Bác) trong vở "Phải có tình đồng chí yêu thương nhau"
3 vở kịch được diễn trong chương trình là “Đêm giao thừa” kể lại câu chuyện Bác Hồ đến chúc Tết gia đình nghèo nhất Hà Nội đêm 30, “Nỗi đau” nói về câu chuyện Bác xét xử "quan cách mạng" Trần Dụ Châu và “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Với những tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng và tâm huyết, chương trình đã mang đến cho khán giả những giây phút đầy xúc động.
Bà Lê Thanh Tâm (sinh năm 1944), nguyên bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công An), người vinh dự được gặp Bác 3 lần chia sẻ: "Muôn vàn tình thương yêu" là một chương trình tuyệt vời, tất cả tiết mục đều hay và xúc động. Cá nhân tôi vô cùng ấn tượng với các vở kịch, đặc biệt là vở "Đêm giao thừa". Khi nhìn thấy Bác trên sân khấu, tôi không kìm được nước mắt vì thương Bác, một người cả đời vì dân, vì nước."
Nghệ sĩ Nguyễn Minh Hải (vai Bác Hồ) trong vở kịch "Đêm giao thừa"
Hình ảnh Bác Hồ đã được chuyển tải tới khán giả một cách gần gũi, chân thực qua vai diễn của nghệ sĩ Nguyễn Minh Hải. Nguyễn Minh Anh, 9 tuổi, con gái của nghệ sĩ Nguyễn Minh Hải, cũng góp mặt trong một phân cảnh kịch và vô cùng tự hào về vinh dự của người cha của mình.
Cô bé Nguyễn Minh Anh, 9 tuổi, con gái của nghệ sĩ Nguyễn Minh Hải
“Lần đầu tiên con được diễn cùng bố trên sân khấu. Con rất vui. Con tự hào về bố con rất nhiều vì bố chuyên đóng vai Bác Hồ và được nhiều người biết đến. Nếu các bạn khác phải đọc sách mới hiểu về Bác, con xem bố diễn trên sân khấu là có thể hình dung ra Bác và hiểu hơn về Bác rồi ạ” – cô bé Minh Anh chia sẻ.
Ông Đàm Tiến, kỹ sư mỏ, Viện thiết kế Mỏ hóa chất chia sẻ những kỉ niệm về Bác với phóng viên Vietnam Journey
Ông Đàm Tiến, một người lính cụ Hồ, người từng được vào Phủ Chủ tịch hát cho Bác Hồ nghe lúc sinh thời bày tỏ niềm xúc động đến nghẹn ngào.
"Cách đây 55 năm, lúc còn bé, tôi đã được may mắn gặp Bác và hát cho Bác nghe. Những lần được gặp Bác đã hình thành trong tôi những giá trị về tư tưởng và nhân cách khiến tôi luôn phải dặn mình sống sao cho cần, kiệm, liêm, chính giống Người. Bác là một vĩ nhân được cả thế giới ngưỡng mộ chứ không chỉ riêng tôi."
Sau nhiều ngày tháng chuẩn bị công phu, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ trên khắp 3 miền tổ quốc, chương trình Chính luận - Nghệ thuật "Muôn vàn tình thương yêu" đã khép lại. Sân khấu đã tắt đèn, nhưng điều còn đọng mãi trong lòng mỗi người là tấm lòng yêu thương vô bờ của Bác đối với nhân dân, đất nước…
Anh Vũ - Ngọc Quỳnh/ Vietnam Journey