Giữa cánh rừng xum xuê, bên dòng suối trong vắt, mát lành, lời khấn của già làng Siu Tới, làng Ograng, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai vang lên trang trọng gửi tới thần rừng linh thiêng. Già làng Siu Tới thay mặt dân làng, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tốt tươi, cho những điều tốt đẹp đến với bà con dân làng. Già cũng cầu cho cánh rừng mãi xanh, cho đội ngũ cán bộ bảo vệ rừng chân vững, mắt sáng để giữ rừng thật tốt.
Khi mùa màng xong xuôi, người Jarai vào rừng tìm một địa điểm thích hợp để làm lễ cúng rừng
Lễ cúng quy tụ hầu hết dân làng, từ người già cho tới người trẻ em, đàn ông và phụ nữ cùng vào rừng
Rượu ghè, cơm lam, gà nướng được dân làng chuẩn bị để phục vụ Lễ cúng thần rừng.
Già Tới cho biết, người Jarai nơi đây nghìn đời nay sống gắn bó mật thiết với rừng, rừng giữ cho mưa thuận gió hòa, nước cho sản xuất, cho sinh hoạt từ rừng mà ra, cái cây làm nhà lấy từ rừng, con chim con thú cũng lấy từ rừng. Rừng với bà con rất quý, đặc biệt, trong thời chiến tranh, nếu không có rừng che chở, bảo vệ cho bà con được an toàn. Bởi vậy, dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng giá trị của rừng vẫn còn nguyên vẹn và lễ cúng rừng vẫn được bà con tổ chức hàng năm tùy theo quy mô, địa điểm.
Giữa cánh rừng xum xuê, bên dòng suối trong vắt, mát lành, lời khấn của già làng Siu Tới vang lên trang trọng gửi tới thần rừng
Cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tốt tươi, cho những điều tốt đẹp đến với bà con dân làng, cầu cho cánh rừng mãi xanh, cho đội ngũ cán bộ bảo vệ rừng chân vững, mắt sáng để giữ rừng thật tốt
Những nhân vật quan trọng sẽ được già làng Siu Tới mời uống ghè rượu cúng.
Lễ cúng rừng thường được người Jarai ở xã Ia Pếch tổ chức sau khi lúa trên nương, ngô trên rẫy đã được thu hoạch, mùa màng đã xong xuôi và bà con bước vào mùa ăn năm uống tháng. Cùng với các lễ hội khác thì Lễ cúng rừng được xem là một lễ lớn, quy tụ tất cả dân làng, từ người già cho tới người trẻ em, đàn ông và phụ nữ cùng vào rừng. Vị trí làm lễ thường được chọn ngay bên dòng suối để thuận lợi cho việc lấy nước phục vụ lễ cúng rừng cũng như để mọi người dùng. Và tùy theo điều kiện mà lễ cúng được tổ chức với quy mô khác nhau, nhưng thường lúc nào cũng có rượu ghè, cơm lam, gà nướng để cúng thần rừng.
Bà con tuyệt nhiên không động đến bất cứ một cây gỗ nào. Tất cả các vật dụng nếu cần thiết thì đều dùng từ những cây tre, nứa, lồ ô.
Chiếc “mâm lồ ô” được dùng để đựng thức ăn phục vụ cho tất cả mọi người
Điểm ấn tượng trong lễ cúng rừng của bà con làng Ograng là được tổ chức giữa rừng, phục vụ hàng trăm người nhưng bà con tuyệt nhiên không động đến bất cứ một cây gỗ nào. Tất cả các vật dụng nếu cần thiết thì đều dùng từ những cây tre, nứa, lồ ô. Riêng phần than để nướng thịt thì dùng những cây củi khô có sẵn trong rừng. Đây là cũng là cách thiết thực nhất, ý nghĩa nhất để dân làng truyền cho các thế hệ tương lai tình yêu với rừng, tinh thần bảo vệ rừng.
Các món ăn với chủ đạo là các món nướng được chế biến ngay tại chỗ ...
... và được dọn lên “mâm lồ ô”
Ly uống rượu được làm từ ống nứa non
Lễ cúng thần rừng là dịp vui của cả làng
Tây Nguyên đang trong mùa lễ hội, mùa của những điều tốt đẹp và lễ cúng rừng của người Jarai ở xã Ia Pếch tô điểm thêm cho những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trong vùng. Cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng tình yêu với rừng, văn hóa giữ rừng vẫn được bà con nơi đây trân trọng giữ gìn. Đó cũng được coi là một tài sản vô giá dành mà cộng đồng nơi đây trao gửi cho thế hệ mai sau.
Công Bắc/ VOV Tây Nguyên