Nghệ nhân Trương Thị Chiều biểu diễn cách làm món bánh sùng se tay
Là nghệ nhân 40 năm theo nghề làm bánh dân gian, từng đạt Huy chương Bạc với loại bánh “con sùng se tay” vào Lễ hội bánh năm 2018, bà Trương Thị Chiều, ở quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, là một trong những gương mặt thân quen ở Lễ hội hàng năm.
Đã 4 lần tham gia nhưng nghệ nhân Trương Thị Chiều cho biết bà vẫn rất hồi hộp chuẩn bị cho Lễ hội lần này, bởi phải đem đến món bánh dân gian mới lạ và trình diễn cho người tham quan xem trực tiếp.
Những nguyên liệu làm bánh đều được bà và gia đình chọn lựa kỹ càng, đặc biệt là màu thực phẩm tự nhiên pha vào bột bánh như: củ dền, gấc, lá dứa, trái dành dành…
Theo nghệ nhân Trương Thị Chiều, Lễ hội bánh là một sự kiện rất có ý nghĩa, là "sân chơi" cho các nghệ nhân trình diễn “món nghề” của bản thân.
Qua mỗi năm tham gia, bà được nhiều người biết đến, món bánh gia đình làm cũng được giới thiệu vào các nhà hàng lẫn tour du lịch. Hiện nay, bánh đã được cả nước biết đến và điều mong mỏi vẫn là được thị trường thế giới “ưa chuộng”.
"Cô mong muốn chứ, chẳng những là đất nước mình mà mình muốn đi xa ra nước ngoài cho người ta biết đến mình, ẩm thực của nước Việt Nam đa dạng, đa sắc và rất là phong phú", bà Chiều chia sẻ.
Nghệ nhân Danh Thị Hớn trình diễn màn giã cốm trước khi làm cốm dẹp
Mang đến Lễ hội món cốm dẹp, đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer, nghệ nhân Danh Thị Hớn, ở huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ chia sẻ, đây là lần thứ 3 tham gia, và cô vẫn đem đến món ăn truyền thống này để người dân in sâu trong tâm trí và bạn trẻ biết đến nhiều hơn. Món cốm dẹp này thường dùng trong dịp cúng trăng vào tháng 10 âm lịch của người Khmer.
Nghệ nhân Danh Thị Hớn cho biết: "Em làm cũng lâu rồi từ thời ở chung với cha mẹ, truyền từ bà truyền cho, mong muốn cốm dẹp được toàn quốc biết đến."
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thiết, chủ cơ sở sản xuất bánh phồng Mười Thiết, tỉnh Bến Tre, lần đầu đến với Lễ hội bánh dân gian Nam bộ, ngoài sự phấn khởi còn tỏ ra khá hồi hộp khi trình diễn trước nhiều người.
Anh cho biết cơ sở sản xuất bánh của anh đã hoạt động mười mấy năm, sản phẩm cũng đã xuất đi một số tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung. Tuy nhiên, vẫn chưa tiếp cận được với doanh nghiệp nước ngoài, nguyên nhân là do mẫu mã bao bì chưa bắt mắt, hàng hóa ít có nơi trưng bày, chỉ mong sau Lễ hội nhiều người biết đến và mở ra cơ hội mới.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thiết đang làm món bánh chuối nướng
"Từ từ sẽ cải thiện bao bì cho đạt chuẩn mới xuất khẩu được, mong muốn Ban tổ chức Lễ hội cùng chính quyền địa phương sẽ giúp đỡ làng nghề phát triển đi lên, đó là điều mong mỏi lớn nhất của làng nghề chúng tôi", anh Thiết cho biết.
Những nghệ nhân khi tham gia Lễ hội bánh dân gian Nam bộ đều thể hiện hết mình, mong muốn giới thiệu đặc sản, tài hoa thông qua nghệ thuật làm bánh dân gian. Để “vươn mình ra biển lớn”, đưa đặc sản ẩm thực phương Nam đi xa hơn trong xu thế hội nhập và phát triển.
Hồng Phương/ VOV ĐBSCL