Bất cứ người phụ nữ H’Mông nào đến tuổi trưởng thành cũng phải biết se lanh dệt vải, thêu thùa để phục vụ cuộc sống của gia đình. Để làm ra bộ váy áo từ vải lanh họ phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, vất vả.
Từ cây lanh, người H’Mông thu hoạch về phơi khô, tách lấy sợi, sau đó mắc vào khung cửi để dệt ra những tấm vải lanh.
Để tạo hoa văn trên vải, họ dùng sáp ong để vẽ. Sáp ong có màu vàng và màu đen được nấu chảy, trộn đều tương ứng với độ đậm nhạt màu sắc, là nguyên liệu chính để chế tác những hoa văn trên trang phục.
Khi đã chuẩn bị được vải, sáp, họ bắt đầu bước vào công đoạn vẽ sáp. Khi vẽ, họ chấm bút vào sáp ong nóng, kẻ thật khéo những đường thẳng trên vải. Quá trình này đòi hỏi sáp phải chảy đều, không bị loang lổ cho đến hết rồi mới tiếp tục chấm tiếp.
Để vẽ thành một chiếc váy in hoa văn đủ sắc thường phải làm cả tuần, cả tháng, thậm chí có khi vài tháng mới xong được một chiếc váy.
Một mẫu hoa văn được tạo tác công phu trước khi nhuộm.
Tấm vải lanh dài 7m sẽ được chia đều thành 10 - 12 ô vuông. Đoạn hai đầu trên cạp váy và dưới đoạn nối thổ cẩm phải kẻ đường thẳng, rồi họ bắt đầu kẻ hình tam giác, hình trôn ốc, in thành hình đồng tiền, hình chữ thập, hình chân chim…
Vẽ xong toàn bộ váy, họ lại mang đi luộc, phải đun sôi lửa và đều tay lớp sáp mới bong hết và để lại hoa văn đẹp trên lớp vải. Luộc rồi chưa phải đã xong, tiếp tục lấy chàm về nhuộm, phơi vài lần nắng mới được chiếc váy lanh hoàn chỉnh.
Những họa tiết này biểu hiện cho sự biến chuyển của mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian, trong vũ trụ quan cổ đại của dân tộc H’Mông.
Chiếc váy hoàn chỉnh làm từ vải lanh với các họa tiết hoa văn thể hiện nét riêng có của tộc người H’Mông.
Trải qua thời gian dài, đến nay nghề dệt thủ công vẫn được những người phụ nữ dân tộc H’Mông gìn giữ, đó là một minh chứng về giá trị thẩm mỹ một dân tộc giàu truyền thống văn hóa nơi địa đầu Tổ quốc.
Theo dangcongsan.vn