Văn hóa

Người Êđê ở Đắk Lắk: Giữ gìn bến nước là giữ mạch sống buôn làng

11:59 - 04/06/2021
Với người Êđê ở tỉnh Đắk Lắk, từ xa xưa, bến nước đầu nguồn luôn được xem là mạch sống của buôn làng. Ngày nay, để giữ cho bến nước luôn duy trì dòng chảy và trong sạch để có thể sử dụng sinh hoạt hàng ngày, nhiều buôn làng người Êđê luôn ý thức bảo vệ môi trường rất cao. Với họ, bảo vệ môi trường khu vực đầu nguồn nước chính là cách để giữ gìn bến nước – nguồn sống của buôn làng.

Mỗi sáng sớm hay chiều muộn, bến nước Dăm Yi ở buôn Sah A, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk luôn nhộn nhịp người già, người trẻ. Dòng nước mát lạnh, trong vắt chảy ra từ những ống tre đổ xuống tảng đá, miếng gỗ, tạo âm thanh róc rách. Hòa với tiếng nước chảy là tiếng của các chị em gái đi gùi nước đem về để uống, hay tiếng cười đùa, nghịch nước của đám trẻ con theo cha mẹ ra tắm gội, giặt đồ. 

Bà H Ven Ayun, ở buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar cho biết, người Êđê từ xưa luôn chọn nơi lập buôn phải có nguồn nước sạch, mạch nước tuôn chảy ngày đêm, quanh năm suốt tháng không bao giờ cạn.

Nhiều người Êđê vẫn giữ thói quen mỗi ngày 2 buổi sáng, chiều vào bến gùi nước về sinh hoạt Nước là mạch nguồn sự sống mang đến cho người dân mùa màng tươi tốt, ấm no; rừng là nơi linh thiêng che chở cho buôn làng. Để có nguồn nước trong và sạch, bà con trong buôn cùng nhau giữ gìn cây xanh đầu nguồn. Bởi bà con hiểu rừng mất thì nước cạn, mỗi một cây gỗ lớn bị chặt phá là một mạch nước ngầm cạn đi. Mất rừng, mất bến nước thì buôn làng cũng không còn. Vì vậy, khu rừng bao quanh bến nước sẽ được người dân bảo vệ nguyên vẹn.

Bà H Ven Ayun, cho biết, hàng tuần, bà con sẽ tự vệ sinh dọn dẹp bến nước thật sạch sẽ: "Bến nước của người Êđê từ ngày xưa là tự chảy từ đầu nguồn nơi có nhiều cây cối cổ thụ, nước rất sạch. Khi có mưa xuống thì nước mưa sẽ cuốn đi các chất bẩn, lá cây mục và rác thải các thứ, người dân sẽ dọn sạch sẽ thường xuyên, có thể là hàng tháng để giữ cho nguồn nước được sạch".

Bến nước với không gian xanh mát là nơi đến yêu thích của người già người trẻ

Ngày nay, dù mỗi nhà đã có nước giếng và nước máy để sử dụng, nhưng nhiều người Ê đê vẫn giữ thói quen mỗi ngày 2 buổi sáng, chiều vào bến gùi nước về sinh hoạt. Những khi gùi nước là lúc mọi người gặp gỡ, hỏi thăm nhau, trò chuyện vui vẻ. Nếu như trước kia, những con đường dẫn từ buôn xuống bến nước là lối mòn, có độ dốc cao thì ngày nay, ở nhiều buôn làng, đường đến bến nước đã được đổ bê tông, xây thành bậc để chống trơn trượt. Ở một số nơi, cả khu vực bờ tường và ống dẫn nước cũng được bê tông hóa, sử dụng các ống kim loại làm máng nước. 

Theo bà H Djuôn Niê, ở buôn Phơng, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, cách làm này giúp cho các bến nước sạch sẽ hơn. Khi đường đi lại thuận tiện thì càng ngày có nhiều người đến với bến nước, kể cả du khách từ phương xa: "Từ khi biết đến cách xây dựng bằng bê tông, xi măng để cho sạch sẽ, giúp cho nguồn nước được sạch sẽ, không bị rác bẩn. Chúng tôi mong là bến nước còn giữ nguyên vẹn những cây cổ thụ đầu bến nước, cây cối thì phải bảo vệ, không được chặt phá, có cây cối thì mới giữ được nước, có độ ẩm thì nước mới còn và không bị cạn, để qua năm tháng luôn có nước chảy".

Ngày nay, với sự đô thị hóa, nhiều bến nước ở các buôn làng người Ê đê dần mất đi hoặc bị bỏ hoang. Nguyên nhân là do cây cổ thụ bị chặt phá, diện tích rừng đầu nguồn bị thu hẹp làm khô cạn mạch nước ngầm, khiến bến không có nước, hoặc nước không còn sạch. Trước tình trạng này, chính quyền một số địa phương ở Đắk Lắk có giải pháp thu hồi những diện tích quanh bến nước để mở rộng diện tích rừng đầu nguồn, đầu tư, phục dựng các bến nước cho cộng đồng. 

Ngày nay nhiều bến nước đã được tu sửa, phục dựng bằng bê tông, xi măng

Như ở phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ, hiện nay, diện tích rừng đầu nguồn bến nước ở buôn Kli A chỉ còn khoảng 1000m2. Theo bà Nguyễn Thị Trúc, Bí thư Đảng ủy phường Đạt Hiếu, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ để thu hồi 0,8 ha đất xung quanh khu vực bến nước buôn Kli A.

"Địa phương rất quan tâm đến việc bảo vệ bến nước cũng như bảo vệ môi trường, chỉ đạo ráo riết trong việc quy hoạch bến nước này, đưa diện tích đó vào quy hoạch để đưa vào quản lý. Đối với người dân ở buôn này thì họ cũng có ý thức rất cao trong quá trình bảo vệ môi trường ở đây và bảo vệ bến nước, họ cũng thực hiện nghiêm túc, không xả rác ra môi trường trong quá trình sinh sống, cây cối ở khu vực bến nước họ cũng bảo vệ, không chặt phá mà họ giữ gìn", bà Trúc nói.

Còn ở huyện Cư Mgar, từ năm 2011, Huyện Đoàn Cư Mgar đã tổ chức tu sửa, phục hồi một số bến nước bằng cách vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy, tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng và bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng đầu nguồn. Ngành văn hóa địa phương cũng triển khai các hoạt động bảo tồn về văn hóa truyền thống, trong đó có bến nước và các nghi lễ cúng bến nước. 

Ở nhiều nơi, những lối mòn xuống bến nước được thay thế bằng đường bê tông

Ông Y Mang, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Trong thời gian qua, phòng Văn hóa - Thông tin có tham mưu UBND huyện đã tổ chức sửa chữa và nâng cấp bến nước cho đồng bào. Trong đó làm việc với môi trường khoanh vùng, bảo vệ xung quanh bến nước, trồng cây và thành lập đoàn khoanh vùng bảo vệ, bảo tồn bến nước của đồng bào. Hơn nữa phải giữ gìn đời sống văn hóa, nhất là văn hóa của đồng bào, duy trì nghi lễ cúng bến nước, mong muốn văn hóa được giữ lại và thứ hai là nước được sạch".

Từ ý thức bảo vệ bến nước – mạch nguồn sự sống, người Ê đê ở Đắk Lắk đã ý thức sâu sắc hơn việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ gìn dòng nước tự nhiên của buôn làng. Nhờ vậy những bến nước của người Ê đê vẫn được duy trì, là một nét văn hóa độc đáo gìn giữ cho các thế hệ mai sau.

H Xíu/VOV Tây Nguyên

Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV