Tình yêu dành cho âm nhạc truyền thống
Vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình có cha là nghệ nhân cồng chiêng giỏi ở làng MRông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai nên từ nhỏ, Rơ Châm H’Mút đã được sống trong không gian âm nhạc hết sức đặc biệt. Những giai điệu cồng chiêng đã trở nên thân thuộc như cơm ăn và nước uống không chỉ với Rơ Châm H’Mút mà với tất cả những người con Gia Rai nói riêng, các cộng đồng bản địa Tây Nguyên nói chung. Khi nằm trên lưng mẹ, Rơ Châm H’Mút đã được cùng mẹ tham gia những sinh hoạt cộng đồng tại nhà rông hay sân chung của làng. Khi biết chạy nhảy, ông đã theo cha tham dự những lễ hội trong buôn làng - từ các lễ hội vòng đời đến mùa vụ như: Đám cưới, bỏ mả, lễ Cầu mùa, lễ Mừng lúa mới…
Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút diễn tấu trống
Ngay khi còn nhỏ, ông đã được cha trò chuyện, chỉ dẫn về diễn tấu cồng chiêng và các nhạc cụ truyền thống, dân gian khác. Tình yêu của ông dành cho âm nhạc truyền thống, dân gian của người Gia Rai vì thế khá sớm và hết sức tự nhiên. Hơn 10 tuổi, Rơ Châm H’Mút đã tham gia đội chiêng của làng. Chỉ vài năm sau, ông đã thuần thục những bài chiêng cổ của người Gia Rai và được chọn tham gia diễn tấu trong lễ hội của làng hay đi biểu diễn, thi diễn tấu các nơi.
Không chỉ dành tình yêu với cồng chiêng, chàng trai trẻ Rơ Châm H’Mút còn chịu khó học hỏi diễn tấu, chế tác các nhạc cụ truyền thống khác của người Gia Rai. Quan sát, học hỏi các nghệ nhân trong làng, chàng trai Rơ Châm H’Mút mày mò học cách diễn tấu và chế tác các nhạc cụ như tre nứa. Nhờ khả năng cảm thụ âm nhạc bẩm sinh cùng với niềm đam mê, sự kiên nhẫn và khéo léo, Rơ Châm H’Mút đã diễn tấu và chế tác được các loại nhạc cụ như: đàn Tơ Rưng, đàn Kơ Ni, đàn Krông Pút; Prô Tung; đàn Goong. Vì thế, trong đội văn nghệ của làng, Rơ Châm H’Mút là hạt nhân giỏi và tích cực.
Trao truyền cho thế hệ trẻ
Không chỉ yêu những giá trị văn hóa truyền thống theo cảm tính, ngay khi còn trẻ, Rơ Châm H’Mút nhận thức được việc giữ gìn, trao truyền những giá trị quý báu này cho thế hệ mai sau trước khi bị mai một.
Ngay trong ngôi nhà sàn của gia đình, ông dành một không gian lớn cho những loại nhạc cụ của dân tộc như một bảo tàng nhỏ với hầu hết các nhạc cụ truyền thống, dân gian của người Gia Rai, từ những nhạc cụ sưu tầm, đến tự tay chế tác. Đặc biệt, ông còn lưu giữ được 2 bộ cồng chiêng cổ rất quý. Nhờ sự tích cực của ông, làng MRông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai là một trong số ít buôn làng ở Tây Nguyên còn lưu giữ được nhiều bộ cồng chiêng, trong đó có 2 bộ chiêng cổ của ông.
Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút tham gia Khai trương Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chụp ảnh lưu niệm với các đại sư, đại diện (19/04/2010)
Rơ Chăm H’Mút chia sẻ: Mỗi cái chiêng đều có hồn vía riêng. Đánh cồng, chiêng phải có đội, không thể đánh 1 mình, vì thế, phải đánh sao cho đúng điệu, không được lạc lõng với các thành viên khác trong đội. Học cồng, chiêng không khó, nhưng muốn điều khiển được nó, phải hiểu nó, phải coi nó như người bạn tri âm, tri kỷ của mình, phải có tình yêu với nó. Người đánh phải gửi tâm hồn mình vào trong từng nhịp chiêng, khi ấy tiếng chiêng mới hay được…
Lúc còn là chàng trai lứa tuổi 20, ông đã trăn trở tìm cách lan truyền tình yêu nhạc cụ của cha ông cho những bạn trẻ cùng trang lứa. Ông đã cùng với cha mình và già làng tập hợp những nghệ nhân có tuổi trong làng truyền dạy đánh cồng chiêng và múa xoang những khi rảnh rỗi. Ông không quản thời gian, công sức cùng già làng và với chính quyền xã động viên dân làng duy trì đội văn nghệ với hơn 40 thành viên. Ông cũng tích cực mang tiếng chiêng cùng với đội văn nghệ của làng đi khắp nới trong cả nước và thế giới để quảng bá về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn tích cực tham gia truyền dạy cồng chiêng cho học sinh Trường Trung học cơ sở Ia Ka, Trung học cơ sở Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) và các trường nội trú của các huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Năm 2013, ông được mời tham gia truyền dạy cho sinh viên của Học viện Âm nhạc Hà Nội.
Ngoài công việc của người đàn ông là trụ cột về kinh tế trong gia đình, tất cả thời gian còn lại của ông đều dành cho nhạc cụ truyền thống với tình yêu và trách nhiệm lớn lao của người con dân tộc Gia Rai. Từ những hoạt động và tâm huyết của mình, ông đã lan tỏa tình yêu đến những người xung quanh và nhất là thế hệ trẻ.
Theo bvhttdl.gov.vn