Lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2020 diễn ra tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, vào ngày 30/1 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Canh Tý).
Màn sử thi tái hiện cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại lễ kỷ niệm năm 2019. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Các hoạt động lễ hội truyền thống đền Hai Bà Trưng diễn ra đến hết ngày 1/2 (mùng 8 tháng Giêng năm Canh Tý) với nhiều hoạt động: Dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng; tổ chức lễ tế và các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tín ngưỡng theo nghi thức truyền thống tại đền Hai Bà Trưng, đình Hạ Lôi và các di tích liên quan tại địa phương.
Lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và đón nhận bằng xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt quần thể di tích đền Hai Bà Trưng, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, diễn ra vào ngày 28/2 (mùng 6 tháng Hai năm Canh Tý), với các hoạt động: Dâng hương tưởng niệm tại đền thờ; văn nghệ truyền thống, trò chơi dân gian; chương trình nghệ thuật chào mừng…
Lễ hội truyền thống đền Hát Môn và kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng sẽ diễn ra tại đền Hát Môn, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, ngày 29/3 (ngày 6/3 năm Canh Tý). Chương trình gồm: Rước lễ làng, lễ rước bánh trôi từ UBND xã Hát Môn về đền Hát Môn; lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng; lễ dâng hương; tổ chức biểu diễn võ thuật, trò chơi dân gian, văn nghệ quần chúng. Lễ hội truyền thống diễn ra trong ba ngày, từ ngày 27 - 29/3 với các hoạt động dâng hương tưởng niệm, lễ tế và các sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tín ngưỡng theo nghi thức truyền thống.
Thông qua các hoạt động kỷ niệm, UBND thành phố Hà Nội cũng mong muốn giáo dục truyền thống cho các thế hệ của Thủ đô; giới thiệu, quảng bá hình ảnh, phát huy giá trị đặc biệt của các di tích. Các hoạt động kỷ niệm phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, đúng nghi lễ truyền thống, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân và khách thập phương.
Đinh Thuận / TTXVN