Từ lâu khán thính giả cả nước không chỉ biết đến tên tuổi NSND Đàm Liên qua những vai diễn trong các vở tuồng nổi tiếng như: Trưng Trắc trong vở Tuồng: “Trưng Nữ Vương", Liễu nguyệt Tiên trong vở” “Đào Phi Phụng", Phương Cơ trong vở “Ngọn lửa Hồng Sơn", Loan Dung trong vở “Lý Phụng Đình", ái Nương trong vở “Trần Bình Trọng", Bà Huyện trong vở “Ngêu, Sò ốc, Hến", Đào Tam Xuân, Hàn Tố Mai trong vở “Đào Tam Xuân loạn trào" và đặc biệt là trích đoạn Tuồng nổi tiếng “Ông già cõng vợ đi xem hội" . . . mà còn biết đến bà bởi những tiết mục hát Tuồng ngọt ngào, say đắm qua các chương trình dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam.
NSND Đàm Liên trong vở Ông già cõng vợ đi xem hội.
Đàm Liên và tuồng như có tiền duyên từ kiếp trước
NSND Đàm Liên tuổi Mùi, bà sinh năm 1943 tại xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên trong một gia đình nghệ thuật, mẹ bà, cố nghệ nhân Trần Thị Bẩy, cũng từng là một nghệ nhân tuồng nổi tiếng trong gánh hát của ông Bầu Leo.
NS Đàm Liên tâm sự: Ngay từ nhỏ bà đã đam mê nghệ thuật, nhưng bà đến với tuồng là một sự tình cờ. Năm 1958, bà cùng thi vào ba chuyên ngành là múa, điện ảnh và tuồng để thử sức, kết quả thật không ngờ Đàm Liên đã trúng tuyển cả ba chuyên ngành với số điểm khá cao. Nhà hát tuồng đã giữ được bà bởi có giấy gọi trước.
Đàm Liên và tuồng như có tiền duyên từ kiếp trước. Mới học thì cảm thấy rất khó, hát được một câu hát tuồng cho hay phải khổ tận can tràng, vắt gan vắt ruột, nhiều khi hát xong muốn té xỉu. Nhưng lạ thay, càng học, càng ngấm, càng say. Bà bắt đầu yêu những điệu Hát Nam, hát khách, bắt đầu yêu những vai diễn với những tính cách giữ dội. Tuồng đã ngấm vào máu thịt của Đàm Liên, khiến bà không sao dứt ra được mà ngày đêm lăn lộn, quên ăn, quên ngủ, say mê tập hát, tập diễn.
[Xem thêm: Dấu ấn Đàm Liên trong lòng khán giả yêu Tuồng]
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, NSND Đàm Liên đã gặt hái được những thành công lớn. Ngay từ khi mới vào nghề, nhờ năng khiếu vốn có cùng với sự say mê học hỏi bà đã diễn rất thành công nhiều vai diễn, đặc biệt là vai Trưng trắc trong vở Tuồng “Trưng nữ Vương". Nhờ vai diễn thành công này mà Đàm Liên may mắn được gặp Bác Hồ và diễn cho người xem.
Nhớ lại những ngày đó bà không khỏi xúc động: Bác khen lắm, đến nỗi sau này gặp tôi chú Vũ Kỳ thường gọi đùa "Cô Trưng Trắc của Bác Hồ”. Hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, NSND Đàm Liên đã nhận được 7 huy chương vàng, 2 huy chương bạc trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. 10 năm liền bà là chiến sĩ thi đua cấp ngành, và cấp Quốc gia.
Năm 1996, bà vinh dự được tham gia báo cáo điển hình “Phụ nữ ba giỏi" toàn quốc. Được nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng nhì, Huân chương kháng chiến hạng hai, Huân chương Đào Tấn do Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Định trao tặng, Huy chương vì sự nghiệp sân khấu do Hội nghệ sĩ sân khấu trao tặng đợt đầu tiên.
Đặc biệt, bà là một trong số ít các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu cao quý NSƯT đợt đầu tiên (Năm 1984) và năm 1992 bà lại được phong tặng danh hiệu cao quý NSND. Nhưng điều hạnh phúc đối với Đàm Liên chính là sự yêu mến mà khán thính giả cả nước cũng như Kiều bào ta ở nước ngoài dành cho. Năm 1992, một vinh dự lớn đến với Đàm Liên là Viện sân khấu công bố kết quả điều tra xã hội học, NSND Đàm Liên là một trong những nghệ sĩ được khán giả yêu thích nhất.
Trăn trở với tuồng, Đàm Liên cùng với chồng là Nhạc sĩ Vĩnh An đã mạnh dạn tìm cách đưa tuồng thành một loại hình ca hát trong các chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền.
Tấm gương lao động hết mình cho nghệ thuật
Nghệ thuật tuồng là bộ mộn nghệ thuật thật đặc biệt, đòi hỏi người hát phải hết sức say mê, công phu rèn luyện mới có thể hát thành công. Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tiếng hát tuồng chưa xuất hiện trong các chương trình dân ca và nhạc cổ truyền bởi hát tuồng thường phải hát trong các vai diễn, hát trong những tình huống kịch chứ tách ra để hát thành những bài ca lẻ thì chưa ai làm.
Trăn trở với tuồng, Đàm Liên cùng với chồng là Nhạc sĩ Vĩnh An đã mạnh dạn tìm cách đưa tuồng thành một loại hình ca hát trong các chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền, ý định đó của bà được ban biên tập văn nghệ của Đài TNVN (lúc đó) rất ủng hộ. Vậy là Nhạc sĩ Vĩnh An bắt đầu viết những bài hát tuồng đầu tiên và NSND Đàm Liên cũng là người nghệ sĩ đầu tiên hát những bài hát tuồng trên làn sóng Đài TNVN.
Hơn 50 năm qua bà là cộng tác viên tích cực của chương trình. Ngoài việc cộng tác thu thanh, bà còn giới thiệu cho chương trình nhiều giọng hát tuồng. Đôi khi bà phải dậy cho các nghệ sĩ lần đầu tiên thu Đài từng nét nhấn, từng cách lấy hơi, thậm chí bẻ làn nắn điệu cho họ bởi thu thanh các tiết mục hát tuồng trên Đài không giống như các buổi biểu diễn trên sân khấu. Hơn 50 năm cộng tác với chương trình dân ca và nhạc cổ truyền, đến nay NSND Đàm Liên đã có hàng trăm tiết mục hát tuồng được phát liên tục trên làn sóng Quốc gia.
Hơn 20 năm qua dù nghỉ hưu theo chế độ, NSND Đàm Liên vẫn hăng say tham gia các câu lạc bộ, say mê diễn hát phục vụ khán thính giả hâm mộ, tích cực cộng tác với các Đài phát thanh và truyền hình trong cả nước để truyền bá cái hay cái đẹp của nghệ thuật tuồng đến với khán thính giả.
Bài viết ngắn này không thể nói hết những thành tích cũng như những cống hiến hết mình của NSND Đàm Liên. Nghĩ về bà là nghĩ về một tấm gương lao động không mệt mỏi vì một nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Xin vĩnh biệt NSND Đàm Liên, một tấm gương lao động hết mình cho nghệ thuật, một người nghệ sĩ luôn cháy bỏng nối đam mê, một giọng hát vai diễn Tuồng mẫu mực. Bà mất đi để lại một khoảng trống không nhỏ cho nghệ thuật sân khấu tuồng nước nhà./.