Cũ người, mới ta
Với các nước trên thế giới, cụm từ "Công nghiệp văn hóa" đã không còn xa lạ nữa, nó trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế và có những đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của đất nước. Tại nhiều quốc gia, công nghiệp văn hóa còn trở thành ngành hái ra tiền, thu lại nhiều ngoại tệ khi xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Các ban nhạc Kpop của Hàn Quốc đã và đang góp phần quảng bá văn hóa cũng như phát triển ngành công nghiệp giải trí lớn mạnh của xứ Kim chi - Ảnh Knetizen
Ở nhiều nước, công nghiệp văn hóa đã trở thành ngành trụ cột trong phát triển kinh tế của đất nước. Ở Anh, công nghiệp văn hóa đã tạo ra thu nhập khoảng 112,5 tỷ bảng/năm, đóng góp 5% GDP, chiếm 10 - 15% thị phần công nghiệp văn hóa thế giới. 85% thu nhập quốc dân của Hồng Công (Trung Quốc) có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình. Hàn Quốc, điện ảnh phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng tới toàn cầu nhờ sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh, âm nhạc...
Hiện có nhiều khái niệm khác nhau về "công nghiệp văn hóa", tuy nhiên hầu hết các quốc gia hiện đều đang thừa nhận và dần khẳng định văn hóa là một ngành công nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ của 4.0, thì công nghiệp văn hóa đã và đang thực sự có nhiều cơ hội để phát triển là lan tỏa.
Năm 2007, UNESCO đã đưa ra khái niệm: "Công nghiệp văn hóa là các ngành sản xuất ra những sản phẩm vật thể và phi vật thể về nghệ thuật và sáng tạo, có tiềm năng thúc đẩy việc tạo ra của cải và thu nhập thông qua việc khai thác những giá trị văn hóa và sản xuất những sản phẩm và dịch vụ dựa vào tri thức".
Công nghiệp văn hóa là sự nghiệp kết hợp 3 yếu tố: Sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa, đem lại lợi ích kinh tế.
Không quá xa Việt Nam, nhưng từ lâu, Hàn Quốc đã trở thành một trong những quốc gia xây dựng và phát triển thành công ngành công nghiệp văn hóa. Ngay từ những năm 90, quốc gia này đã bắt đầu thai nghén, hình thành những chiến lược về phát triển công nghiệp văn hóa. Hiện nay chính phủ Hàn Quốc đã phát triển các chính sách văn hóa phù hợp để thúc đẩy sự hài hòa và gắn kết giữa phát triển kinh tế và văn hóa của đất nước.
Làn sóng Văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) đã và đang từng ngày, từng giờ len lỏi, lan tỏa và phát triển khắp thế giới thông qua các bộ phim truyền hình, các ban nhạc K-pop đình đám. Các món ăn truyền thống của Hàn Quốc trở lên phổ biến rộng rãi tại khắp các quốc gia như Kim chi, Kimbap, canh rong biển, mỹ phẩm, trang phục truyền thống…Hàn Quốc cũng đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đông đảo du khách các nước, trong đó có Việt Nam.
Trở lại với câu chuyện phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam để thấy, so với các nước trong khu vực và thế giới, đây vẫn được coi là lĩnh vực mới mẻ, xa lạ đối với chúng ta.
So với các nước, sự phát triển của công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn khá lạ lẫm bởi vẫn đang chịu áp lực bởi nhiều khó khăn, thách thức như: Sự kém linh động trong phương cách tiếp cận, thiếu liên kết giữa các bộ, ngành; nhận thức về tiềm năng làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo không cao; sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn diễn ra phổ biến đã làm hạn chế tiềm năng phát triển của một số doanh nghiệp sáng tạo; quản lý nhà nước và kỹ năng kinh doanh chưa thích ứng với cơ chế thị trường, còn tình trạng quan liêu, thiếu minh bạch. Nhìn chung các lĩnh vực văn hóa chưa kịp chuyển đổi cơ chế chính sách và mô hình tổ chức để vận hành cho phù hợp với quy luật cạnh tranh của cơ chế thị trường.
Tiềm năng, lợi thế
Mặc dù chậm so với các nước, tuy nhiên, Việt Nam lại có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa.
Biểu diễn nghệ thuật cải lương phục vụ khách du lịch tại Nhà hát Cao Văn Lầu - Bạc Liêu - Ảnh Vi Phong
Với chiều dài lịch sử phát triển cùng bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em, Việt Nam thực sự là kho tàng văn hóa mà không phải quốc gia nào cũng may mắn có được. 54 anh em dân tộc sinh sống trên dải đất hình chữ S đã hình thành nên những nền văn hóa đặc sắc, phong phú. Bên cạnh những giá trị về văn hóa vật thể (các công trình kiến trúc nghệ thuật truyền thống), Việt Nam còn sở hữu vô số những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu (quan họ, ca trù, hát xoan, cải lương, tuồng, chèo…)…
Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế này, nếu biết tận dụng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam chắc chắn sẽ xây dựng thành công công nghiệp văn hóa.
Hiện nay, Chính phủ đang xác định nền Công nghiệp văn hóa Việt Nam có 12 ngành chủ chốt: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công, mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa. Mỗi một ngành đều có một thế mạnh riêng để có thể chung tay đưa ngành công nghiệp này đạt mục tiêu đóng góp 7% GDP và tạo thêm nhiều việc làm vào năm 2030.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm-dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế, góp phần mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới, phát huy nội lực, quảng bá hình ảnh đất nước. Trong thời đại của kinh tế tri thức và công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa có khả năng biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, từ đó giúp Việt Nam xây dựng được một nền kinh tế linh động, hài hòa, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc vào trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước./.
Theo toquoc.vn