Sức sống của xẩm
Tối thứ bảy, chiếu xẩm của nhóm Xẩm Hà Thành biểu diễn ở Tượng đài vua Lê (thuộc không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận) kín khách du lịch. Người đến thưởng thức không chỉ là những du khách cao tuổi, mà còn có rất nhiều khách nước ngoài và các bạn trẻ. Họ say sưa thưởng thức các nghệ sĩ biểu diễn, đôi khi còn vỗ tay, nhún nhảy theo nhịp phách khi nghe những bài xẩm có tiết tấu vui nhộn.
Nhóm Xẩm Hà Thành biểu diễn ở khu vực Tượng đài vua Lê vào dịp cuối tuần
Anh Anthony Robbins - du khách người Mỹ, cùng bạn gái đến Hà Nội du lịch đã vô cùng thích thú khi thưởng thức nghệ thuật xẩm tại không gian đi bộ ngoài trời. “Chúng tôi dường như không muốn cất bước khi nghe âm nhạc dân tộc của các bạn. Dù không hiểu về lời ca, nhưng giai điệu và phong cách biểu diễn của các nghệ sĩ rất hấp dẫn và cuốn hút”, Anthony chia sẻ.
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, một trong những người sáng lập nhóm Xẩm Hà Thành cho biết, kể từ khi không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận hoạt động, sân khấu biểu diễn nghệ thuật dân gian, trong đó có chiếu xẩm tại Tượng đài vua Lê trở thành điểm dừng chân được yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Từ xa xưa, xẩm là nghệ thuật dân gian bình dân, thường được biểu diễn trên đường phố hoặc các khu chợ, nên khi xẩm được biểu diễn ở ngoài trời gần như đã phát huy được đúng giá trị.
Nhiều năm trở lại đây, xẩm đã trở nên quen thuộc hơn với khán giả trong và ngoài nước. Sự hoạt động mạnh mẽ của các nhóm xẩm và các nghệ sĩ của dòng nhạc dân tộc như nhóm Xẩm Hà Thành, NSND Xuân Hoạch, Mai Tuyết Hoa… với nhiều sản phẩm, hoạt động biểu diễn cả trên sân khấu và ngoài đường phố đã mang đến sức sống mới cho xẩm. Cụ thể, nhóm Xẩm Hà Thành ra mắt nhiều MV xẩm được xây dựng lời mới phản ảnh nhiều chủ đề “nóng” của xã hội như: Văn hoá giao thông, kêu gọi văn hoá ứng xử đã uống rượu bia thì không lái xe; nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa ra mắt album xẩm đầu tiên gồm nhiều bài xẩm cổ và xẩm phổ thơ mới… Ngoài ra, các nghệ sĩ như NSND Xuân Hoạch, Mai Tuyết Hoa còn tổ chức các minishow, các dự án truyền dạy xẩm cho thế hệ trẻ, giới thiệu xẩm tới sinh viên các trường đại học ở Mỹ…
Nhiều sản phẩm xẩm mới vừa bảo đảm yếu tố dân tộc vừa phù hợp với giới trẻ
Nỗ lực đưa xẩm vào đời sống
Cùng với nhiều loại hình âm nhạc dân tộc khác như ca trù, chầu văn…, xẩm đang từng bước góp thêm mảng màu sắc hấp dẫn cho âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, cũng giống như các loại hình văn hoá dân tộc, xẩm còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với công chúng trẻ tuổi. Số lượng nghệ nhân ngày một hao hụt do tuổi tác và thời gian, trong khi đội ngũ kế cận còn hạn chế, thiếu bài bản.
Nhạc sĩ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật phát triển âm nhạc Việt Nam đánh giá, đó là những khó khăn chung ở tất cả loại hình âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, điều lạc quan là những năm gần đây, âm nhạc dân gian đang nhận được sự quan tâm hơn của công chúng. Nhạc sĩ Thao Giang lấy ví dụ, có thời điểm, hát văn gặp không ít trở ngại nhưng hiện nay, di sản này đã phát triển và đang được lựa chọn biểu diễn trong nhiều chương trình lớn. Với hát xẩm, các hoạt động sôi nổi của những nghệ sĩ trẻ đã mang đến sức sống mới cho xẩm. Xẩm không chỉ được biểu diễn ở không gian phố đi bộ mà còn được biểu diễn ở nhiều sân khấu âm nhạc lớn.
Liên hoan các câu lạc bộ hát xẩm khu vực phía Bắc khai mạc ngày 3/12 tại Ninh Bình
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cũng bày tỏ sự lạc quan về sự phát triển của xẩm khi cho rằng, nhiều chương trình truyền hình đã đưa xẩm lên sân khấu để khán giả trải nghiệm, làm quen với xẩm, điều này đã hấp dẫn công chúng trẻ. Bên cạnh đó, việc mở các lớp truyền dạy xẩm đang thu hút nhiều bạn trẻ, trong đó có người nước ngoài, cho thấy âm nhạc dân tộc Việt Nam vẫn có sức sống bền bỉ riêng.
Nghệ thuật xẩm Việt Nam hiện nay có nhiều thay đổi, bên cạnh những bài xẩm cổ như: Xẩm thập ân, xẩm chợ, xẩm tàu điện…, gần đây, các nghệ sĩ cũng sáng tác nhiều bài xẩm mới, với lời hát thể hiện cái nhìn của giới trẻ về cuộc sống. Nói về những tác phẩm xẩm mới, nhạc sĩ Thao Giang nhận xét, đây là xu hướng tất yếu trong quá trình phát huy giá trị âm nhạc dân tộc, giúp cho xẩm có nhiều màu sắc mới, phù hợp với khán giả trẻ.
Nhằm tiếp tục phát huy giá trị của nghệ thuật hát xẩm, từ ngày 3 đến 5/12, Liên hoan các câu lạc bộ hát xẩm khu vực phía Bắc lần thứ I - năm 2019 diễn ra tại tỉnh Ninh Bình với sự tham gia của 15 câu lạc bộ hát xẩm ở các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, đơn vị tổ chức liên hoan bày tỏ, liên hoan lần này không chỉ là dịp giới thiệu tới công chúng những tinh hoa của loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam mà còn là cơ sở để sau đó, tỉnh Ninh Bình cùng các tỉnh khu vực phía Bắc làm hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận hát xẩm là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Hoàng Lân/ hanoimoi.com.vn