Tết Đoan Ngọ thường được dân gian gọi là tết nửa năm, hay ngày “giết sâu bọ” 5/5 âm lịch. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống mang nhiều ý nghĩa văn hóa phong phú trở thành ngày Tết phù hợp với tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Vào ngày này, nhiều người dân đã lựa chọn mua rượu nếp, hoa quả thắp hương và ước vọng sức khỏe dồi dào, không ốm đau bệnh tật.
Từ 6h sáng, cửa hàng bán rượu nếp của bà Lê Thị Thịnh trên phố Gia Ngư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tấp nập người dân đến mua hàng. Nhanh tay gói rượu nếp cho khách, bà Thịnh cho biết:“Năm nay rượu nếp vì nói chung là bán cũng chạy tay, do thời tiết hôm nay oi, nhưng mà còn râm mà nắng như ngày hôm qua thì có lẽ cũng không nhanh tay. Cái Tết ý nghĩa theo cái này, thực ra cổ truyền của các cụm từ bao năm rồi thì tất cả dân mình cũng đi theo cổ truyền nên Tết đến bán rượu nếp, hoa quả, nhà tôi thì bán thêm các loại xôi chè là cái Tết này”.
Mua 2 hộp rượu nếp cái hoa vàng, bà Hoàng Thị Lan ở quận Hoàn Kiếm cho biết, năm nào vào ngày này bà cũng mua rượu nếp và hoa quả thắp hương tổ tiên, với ước vọng sức khỏe, không ốm đau bệnh tật cho cả gia đình. Trong tâm trí bà Lan vẫn còn nhớ khi còn nhỏ, vào sáng ngày Tết Đoan Ngọ, bố mẹ thường gọi các con dậy sớm, khi chưa ăn sáng, mọi người sẽ ăn một hai thìa rượu nếp, các loại hoa quả để "giết sâu bọ": “Ông cha ngày xưa là có rượu nếp để cho mọi sự nóng lên. Ăn để giết những con sâu bọ trong người mình để thanh lọc cơ thể. Tết cổ truyền bao nhiêu năm, các cụ truyền lại con cháu nối theo, giáo dục con cháu nhớ đến các cụ ngày xưa”.
Có rất nhiều cách giải thích về ngày “giết sâu bọ” trong dân gian. Theo Tiến sỹ Trần Long, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thì người Việt xưa ăn tết vào tháng 11 âm lịch. Do vậy, tháng 5 là thời điểm giữa năm, cùng lúc với việc kết thúc vụ Chiêm bước vào vụ Mùa. Đây là thời gian người dân làm lễ cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên, ăn mừng mùa vụ thành công nên còn gọi là tết giữa năm.
“Đoan Ngọ” mang ý nghĩa là bắt đầu Ngọ” chỉ giờ ngọ, tức là khoảng thời gian nóng nhất trong ngày. Đoan Ngọ có thể hiểu là “ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm”. Chính nghề trồng lúa nước đã buộc người nông dân phải quan sát thời tiết nên nhờ vậy, phong tục tết Đoan Ngọ ở Việt Nam hình thành.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì cho rằng: tiết trời nóng bức sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, nên hàng năm vào ngày này dân gian tổ chức nhiều tục với mục đích là phòng trừ bệnh tật, chủ yếu trên cơ thể người với một ước vọng có một sức khỏe dồi dào: “Việt Nam gọi là Tết giết sâu bọ cũng có nhiều cách giải thích, nhưng cơ bản người xưa quan niệm “tất cả những bệnh nội khoa, người ta đều do các loại sâu, bọ tấn công nên phải giết sâu bọ đó để bảo vệ sức khỏe".
Cho nên là giết sâu, bọ ở đây là giống như là khử trùng, vì sâu bọ là loại trùng, khử trùng khử độc, tiêu diệt các vi khuẩn trong người để con người trở nên khỏe mạnh. Ở Việt Nam tín nghĩa đó nổi lên hàng đầu và các hành vi hành động ăn uống, tổ chức trong ngày lễ thường hướng hẳn về việc tìm thuốc, hái thuốc sử dụng thuốc chữa bệnh như một hình thức vừa thực tế để vừa biểu tượng”.
Mặc dù ngày nay tục lệ cúng Tết Đoan Ngọ không còn cầu kỳ nữa, song vẫn còn khá phổ biến trong cả nước. Đây vẫn là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nói chung để lưu giữ truyền thống tổ tiên, cha ông từ ngàn đời lưu lại./.
Theo VOV.VN