Dựng cây nêu tại sân Đoan Môn trong Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân”. Ảnh: Thanh Tùng
Nét đẹp trong dòng chảy thời gian
Đã thành thông lệ, giáp Tết Nguyên đán là thời điểm nhóm Đình làng Việt, với hơn 15 nghìn thành viên, hối hả chuẩn bị chương trình “Tết Việt”, nhằm mục đích tôn vinh, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống trong ngày Tết cổ truyền. Năm nay, chương trình này được đặt trong không gian Phố cổ Hà Nội, bắt đầu từ ngày 17-1 đến 9-2 (tức từ ngày 23 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến 16 tháng Giêng năm Canh Tý), với rất nhiều hoạt động tái hiện Tết xưa “từ nhà ra ngõ”, như: Phục dựng không gian đón Tết của gia đình Hà Nội truyền thống; hoạt động sắp lễ, dâng cúng tổ tiên; lễ rước phẩm vật và cáo yết thành hoàng; lễ dựng cây nêu; diễn xướng hò cửa đình, múa bài bông tại không gian thờ thành hoàng...
Cũng với mong muốn mang đến một hình dung đủ đầy và trọn vẹn về Tết truyền thống, một hoạt động không thể thiếu được tại “Tết Việt” là không gian tọa đàm về Tết - ý nghĩa, giá trị của các hoạt động văn hóa truyền thống trong ngày Tết cổ truyền, với sự tham gia của nhiều chuyên gia uy tín và những người yêu lịch sử, văn hóa. Chị Trương Quỳnh Anh (phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình) chia sẻ: “Tham gia “Tết Việt”, tôi được chiêm ngưỡng, tìm hiểu cách bài trí không gian thờ cúng ngày Tết, cách trang trí, bày biện mâm cỗ cúng gia tiên; được khuyến khích mặc áo dài dân tộc và tham gia các nghi lễ tại đình; trải nghiệm văn hóa xin chữ, cho chữ cùng các trò chơi dân gian dịp đầu năm mới. Mỗi điều đều mang đến niềm vui và sự xúc động, khiến tôi thêm yêu truyền thống văn hóa đất nước và mong muốn truyền tình yêu ấy tới nhiều người khác”.
Trong khi đó, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, một chương trình văn hóa gắn với Tết truyền thống cũng đang được tổ chức, thu hút sự tham dự của đông đảo công chúng và du khách. Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh, "Tết Việt" tại Hoàng thành Thăng Long mở đầu bằng một chuỗi cổ tục, như: Lễ ban sóc; lễ phất thức; lễ cúng ông Công, ông Táo tại điện Kính Thiên và phóng sinh cá chép tại dòng sông cổ trong không gian di sản. Đây là những nghi thức cổ truyền với ý nghĩa “tống cựu nghinh tân” đã được nhiều đời vua tại Hoàng thành Thăng Long thực hành.
Bên cạnh việc tái hiện các nghi lễ cổ truyền, khu di sản Hoàng thành Thăng Long còn phục dựng nhiều hoạt động văn hóa truyền thống hấp dẫn như: Tái hiện thư phòng với tứ bảo của nhà nho “giấy, mực, bút, nghiên”; trưng bày nghệ thuật thư pháp, giới thiệu phong tục viết câu đối ngày xuân; tổ chức không gian kể chuyện Tết hoàng cung, không gian tìm hiểu, trải nghiệm trò chơi dân gian ngày Tết... “Những việc làm này nhằm tạo dựng một không gian đậm đà bản sắc, nơi người trẻ được hiểu nhiều hơn những nét đẹp văn hóa dân tộc trong dòng chảy thời gian, còn người lớn tuổi được gặp lại phong vị Tết xưa với những cổ tục đã ít nhiều vắng bóng”, ông Trần Việt Anh nhấn mạnh.
Trình diễn múa, hát cửa đình tại chương trình “Tết Việt”
Gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc
Càng cận Tết Nguyên đán, những nỗ lực phục dựng giá trị văn hóa truyền thống càng như dòng chảy mạnh mẽ, hướng cộng đồng tìm về bản sắc văn hóa, cội nguồn dân tộc. Ở bất cứ đâu cũng dễ dàng thấy được những hoạt động phục dựng Tết truyền thống, khơi dậy, làm giàu bản sắc văn hóa với cách làm nhiệt thành, đầy trách nhiệm. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tiếp tục phối hợp với nhiều đơn vị triển khai dự án dài hơi “Trải nghiệm Tết truyền thống”, thông qua các hoạt động in tranh dân gian; nặn tò he, vẽ tranh 12 con giáp; học gói bánh chưng, viết thư pháp, làm pháo đất cùng nghệ nhân; trải nghiệm chèo cổ, múa tứ linh; thưởng thức đặc sản bánh cáy, gỏi cá nhệch, canh cá Quỳnh Côi (tỉnh Thái Bình)...
Làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây) nhiều năm nay luôn gắn bó với chuỗi sự kiện mang tên “Xuân vùng cao”, giới thiệu, quảng bá không khí ngày Tết của đồng bào các dân tộc thiểu số bằng các nghi thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian độc đáo và các món ăn hấp dẫn của ngày Tết... Đến hẹn lại lên, Phố bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) tiếp tục phục dựng không gian Tết xưa Hà Nội, trình diễn nghề thủ công phục vụ Tết, như: Tranh dân gian, nặn con giống đất, điêu khắc... Cộng đồng cư dân Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy) tổ chức chương trình thường niên “Nét xưa Hà Nội”, tái hiện không gian làng nghề thu nhỏ với sản phẩm gốm, lụa, mây tre đan, chuồn chuồn tre, tò he…; tổ chức thực hành nghề truyền thống cùng nghệ nhân, từ kéo sợi quay tơ, vẽ chuồn chuồn tre, kết nón lá... đến nặn tò he, nặn vuốt gốm...
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định, quận luôn ủng hộ, tạo điều kiện thỏa đáng cho những hoạt động bổ ích, thiết thực, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa, tạo sự đoàn kết, gắn bó, bồi đắp niềm tự hào với truyền thống của dân tộc nói chung và ngày Tết nói riêng. Tất cả nhằm đem lại cho người tham dự những cảm nhận rõ ràng, sâu sắc nhất về không gian Tết cổ truyền mộc mạc mà đầm ấm của cả cộng đồng; đồng thời là cầu nối, giúp du khách hiểu sâu sắc, chân thực bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Nói về những nỗ lực phục dựng Tết cổ truyền của cộng đồng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trung Vũ (Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam) cho rằng, Tết Nguyên đán mang ý nghĩa thiêng liêng, đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Việt Nam, không chỉ thể hiện sinh động đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh sự gắn kết của gia đình, cộng đồng, thể hiện tình yêu thương của ông bà, cha mẹ và lòng hiếu thảo của con cháu, mà còn là dịp khơi dậy, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp, đã làm nên tinh thần, hồn cốt dân tộc.
“Xã hội càng phát triển, đời sống càng khấm khá, thì những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền càng cần được trân trọng và phát huy. Cách ăn Tết đã ít nhiều thay đổi, song, với ý thức và nỗ lực gìn giữ của đông đảo người dân, Tết Nguyên đán với những giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc sẽ mãi đồng hành cùng cộng đồng Việt”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trung Vũ nhấn mạnh.
Thanh Thủy/ hanoimoi.com.vn