Tranh dân gian Đông Hồ là một trong ba dòng tranh dân gian nổi tiếng nhất, lâu đời nhất và có số lượng sản phẩm nhiều nhất ở nước ta. Nằm giữa vùng văn hiến Kinh Bắc, dòng tranh này đã hội tụ được tâm thức ngàn năm của người Việt.
Không chỉ mang vẻ đẹp mỹ thuật dân dã, là một trong những mặt hàng văn hóa đại diện cho di sản dân tộc sớm được xuất khẩu đi nước ngoài, tranh Đông Hồ còn nổi tiếng bởi mỹ cảm trong ca dao và thi ca. Thi sĩ Hoàng Cầm từng viết câu thơ: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Chính cái “màu dân tộc” và “giấy điệp” đã làm nên thần thái của dòng tranh này và cùng với các dòng tranh dân gian khác làm giàu cho kho tàng di sản mỹ thuật của Việt Nam.
Trải qua bao thăng trầm, dòng tranh này vẫn tồn tại cho đến hôm nay. Tranh Đông Hồ đã được Nhà nước xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2012) và đang trình hồ sơ lên tổ chức UNESCO để được xếp hạng di sản văn hóa thế giới.
Cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa, Trịnh Sinh và Lê Bích (do NXB Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội phối hợp xuất bản) được thực hiện công phu. Sách gồm 232 trang, 537 ảnh mô tả chi tiết về làng Đông Hồ, các bước làm tranh, chân dung các nghệ nhân, họa sĩ tiêu biểu của Đông Hồ và tổng hợp gần 300 bức tranh Đông Hồ.
Tranh đồ thế ở Đông Hồ hiện không còn tồn tại
Bên cạnh đó, sách còn giới thiệu hai thể loại tranh ít được biết đến của Đông Hồ là tranh trổ giấy và tranh đồ thế (tranh đốt cho người chết). Tranh đồ thế đã dừng làm từ cách đây gần 20 năm, tranh trổ giấy thì đã vắng bóng vài ba năm. Đặc biệt, độc giả có thể tìm thấy nhiều tư liệu mới được các nghệ nhân hoặc đại diện gia đình các nghệ nhân chia sẻ để giúp cho cuốn sách này có những nét khác biệt so với nhiều cuốn sách tranh Đông Hồ từng xuất bản trước đây.
Nói rõ hơn về sự khác biệt này, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết:
“Đã có hơn 20 đầu sách về tranh Đông Hồ rồi, bởi vậy, chúng tôi xác định sẽ đi sâu nghiên cứu, làm mới, làm đầy đủ và chi tiết hơn về dòng tranh này. Đặc biệt, dù tranh trổ giấy và tranh đồ thế ở Đông Hồ có thể không còn tồn tại nhưng chúng tôi nghĩ vẫn phải lưu giữ di sản của cha ông để lại và truyền sự hiểu biết của mình cho đời sau.
Với vị trí hiện nay có nhiều thay đổi nên chúng tôi phải xác định địa điểm làng Đông Hồ cũ để thực chứng cho những điều các sách đi trước đã viết. Viện Hán Nôm đã gợi ý để chúng tôi tra cứu thông tin tại dư địa chí Bắc Ninh và khớp vị trí với người già trong làng. Rất may là các làng cung cấp phụ liệu đều lân cận làng Đông Hồ, keo da trâu, làm bút vẽ, giấy, chổi thét (dùng để quét điệp) vẫn còn. Cách quét điệp trên tranh dân gian Đông Hồ là độc nhất trên thế giới và chúng tôi cũng may mắn được gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giúp đỡ để có những bức ảnh quý giá về từng công đoạn trong quá trình này.
Điều quan trọng nhất, đó chính là chỉ rõ được lịch sử dòng tranh dân gian Đông Hồ, các bước phát triển từ giữa thế kỷ XX cho tới nay, điều chưa có cuốn sách nào đề cập một cách đầy đủ, chi tiết”.
Kể từ đầu năm 2019, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa đã cho ra mắt hai cuốn sách về tranh dân gian Kim Hoàng và Đông Hồ.
Nhóm tác giả hy vọng cuốn “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” sẽ góp phần vào việc bảo tồn vốn di sản quý báu của dân tộc và có những đóng góp mới trong việc nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật, lịch sử, dân tộc học…
Theo hanoimoi.com.vn