Những động thái này được đưa ra sau quan ngại về một ngành giải trí phát triển “hỗn loạn” với hàng loạt các vụ bê bối liên quan đến pháp lý và suy đồi về đạo đức, cũng như các trào lưu trực tuyến đang “đầu độc” giới trẻ.
Những quy định mới chấn chỉnh ngành giải trí
Đối với ngành giải trí Hoa ngữ, những ngày qua quả thực đầy “bão tố”. Hàng loạt các ngôi sao đình đám như Triệu Vy - một trong “Tứ đại hoa đán” của điện ảnh Trung Quốc, hay các “thần tượng của giới trẻ” như Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng lần lượt bị xử lý vì vi phạm pháp luật và đạo đức.
Một chiến dịch dẹp bỏ tình trạng hỗn loạn của cộng đồng người hâm mộ Trung Quốc kéo dài 2 tháng bắt đầu từ 15/6 vừa kết thúc, hàng loạt các quy định mới tiếp tục được đưa ra với các động thái mạnh tay và quyết liệt hơn nhiều, tác động tới toàn bộ ngành giải trí nước này.
Trong thông báo mới nhất về việc tăng cường hơn nữa công tác quản lý giáo dục và xây dựng đạo đức cho văn nghệ sĩ vừa công bố ngày 30/8, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã yêu cầu tăng cường giáo dục tư tưởng, pháp luật cho nhóm đối tượng này, để họ biết đâu là giới hạn và lằn ranh đỏ; hướng họ tới việc sáng tác các tác phẩm nghệ thuật vừa đạt hiệu ứng xã hội vừa đem lại hiệu quả kinh tế, trong đó hiệu ứng xã hội được đặt lên hàng đầu; chuẩn hóa hành vi thương mại của nghệ sĩ; nâng cao tu dưỡng nhân cách và trách nhiệm xã hội; đưa vấn đề đánh giá đạo đức vào hệ thống bình xét chức danh và nâng bậc, nâng hạng, để họ trở thành những người làm công tác văn học nghệ thuật “vừa có đức vừa có tài”.
Thông báo mới này cũng yêu cầu tăng cường thực thi các biện pháp kiểm soát “khẩn cấp quyết đoán” đối với những cá nhân và vấn đề có thể gây tác động xấu trong xã hội, với tôn chỉ quyết không dung thứ cho bất cứ hành động vi phạm pháp luật, đạo đức và tùy tiện nào.
Trước đó, hôm 25/8, Văn phòng Thông tin Internet Quốc gia hay còn gọi là Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã đưa ra 10 biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa việc chấn chỉnh tình trạng hỗn loạn trong “cộng đồng fan (người hâm mộ)” nước này, trong đó có việc hủy bỏ các bảng xếp hạng nghệ sĩ nổi tiếng, ngăn chặn các “cuộc chiến” giữa những cộng đồng người hâm mộ của các ngôi sao khác nhau và những hiện tượng tiêu cực khác liên quan đến ngành giải trí, hướng người hâm mộ tới chất lượng sản phẩm văn hóa, hạn chế việc chạy theo các ngôi sao.
Văn bản này đã yêu cầu tất cả các địa phương ở Trung Quốc cần “nâng cao hơn nữa lập trường chính trị”, để tạo lập một “không gian mạng trong lành” trên tinh thần “giữ vững an ninh chính trị và ý thức hệ trên môi trường mạng”.
Liên tiếp trong 2 ngày 27 và 28/8, tờ “Nhân dân Nhật báo” – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc và trang thông tin chính thức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc, cơ quan chống tham nhũng hàng đầu nước này, đã đăng các bài viết cảnh tỉnh các nghệ sĩ rằng, chạm vào lằn ranh đỏ về đạo đức và pháp luật, con đường hoạt động nghệ thuật của họ đã đi đến “vạch kết thúc” hay thời của các “ngôi sao lưu lượng” – tức nổi tiếng nhờ lượt truy cập trên mạng – đã sang trang.
Trung Quốc mạnh tay với showbiz vì đâu?
Nhìn lại “cơn cuồng phong” thổi vào làng giải trí Hoa ngữ lần này, nổi lại 2 nhóm đối tượng bị “thanh lọc”. Trước hết và tất nhiên, đó là các nghệ sĩ cùng những lợi ích kinh tế và “tư bản” kếch xù đằng sau họ.
Trước tiên phải khẳng định rằng, giải trí là một ngành kinh doanh lớn. Việc tạo dựng thần tượng không chỉ giúp tạo ra những ngôi sao, mà còn đem lại những nguồn lợi khổng lồ. Theo trang “The Paper” của Trung Quốc dự đoán, đến năm 2022, giá trị “nền kinh tế thần tượng” ở nước này có thể lên tới 140 tỷ NDT (hơn 20 tỷ USD).
Trong khi đó, hiện tượng cát-xê “trên trời”, “trốn thuế”, lợi dụng danh tiếng để làm giàu bất chính đang là những vấn đề nhức nhối trong xã hội Trung Quốc. Chỉ riêng diễn viên Trịnh Sảng, người vừa bị phạt gần 300 triệu NDT (46 triệu USD) vì hành vi trốn thuế, được cho là đã nhận 160 triệu NDT (24,6 triệu USD) sau 77 ngày quay phim - tức 320.000 USD/ngày - cho vai diễn trong bộ phim dài 50 tập “Thiện nữ u hồn”.
Riêng với Triệu Vy, mặc dù đến nay vẫn chưa có bất cứ thông tin chính thức nào về những sai phạm của “Thần tượng quốc dân” này, nhưng truyền thông Trung Quốc đã liệt kê hàng loạt lùm xùm liên quan đến hợp tác giữa cô với những phần tử “chống đối Trung Quốc” của Nhật Bản, hay các hành vi “gian lận cổ phiếu” làm ảnh hưởng đến trật tự thị trường chứng khoán và gây thiệt hại nặng nề cho nhà đầu tư của cô và chồng là doanh nhân Huỳnh Hữu Long.
Căn cứ vào tuyên bố hướng tới mục tiêu “thịnh vượng chung” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra mới đây, đây là những vấn nạn cần sớm được giải quyết.
Nhóm đối tượng thứ 2 bị đưa vào tầm ngắm, đó là các hội nhóm người hâm mộ. Có một điều dễ nhận thấy, đó là hầu hết những người theo đuổi các ngôi sao là trẻ vị thành niên và dễ bị ảnh hưởng bởi hành vi của thần tượng. Vì vậy, tờ “Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh” đã nhận xét, mục đích cuối cùng của việc xử lý ngành công nghiệp giải trí là “bầu không khí trong xã hội” Trung Quốc.
Trong khi đó, cùng với những khoản tiền lớn đổ vào và được tạo ra bởi làng giải trí, văn hóa hâm mộ của nước này ngày càng trở nên hỗn loạn.
Không ít các hành vi cực đoan của người hâm mộ đã bộc lộ trên các diễn đàn trực tuyến. Mâu thuẫn giữa các cộng đồng này đã diễn tiến thành bạo lực mạng, xâm phạm đời tư cá nhân khi thông tin chi tiết của một người dễ dàng bị công khai trực tuyến.
Không chỉ vậy, các hội nhóm người hâm mộ còn trở thành những mỏ vàng cho các tập đoàn lớn. Lợi dụng sự yêu thích của fan, các doanh nghiệp đã thuê ngôi sao với tầm ảnh hưởng lớn làm đại diện cho nhãn hàng của mình để khuyến khích cộng đồng người hâm mộ tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc quảng cáo bằng thần tượng đã biến tướng thành nhiều hành vi trục lợi. Một số nền tảng, thậm chí chính fanclub, yêu cầu thành viên trả phí để được xem ảnh chất lượng cao của thần tượng hay kêu gọi họ tài trợ tiền cho các chiến dịch quảng bá hoạt động của ngôi sao.
Động thái tuyên chiến với người hâm mộ cực đoan và các nghệ sĩ vô kỷ luật đã phản ánh nỗ lực kiểm soát ngành công nghiệp giải trí tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Liên quan đến vấn đề an ninh mạng, theo số liệu vừa công bố hôm 27/8, cư dân mạng của Trung Quốc đã lên đến hơn 1 tỷ người, chiếm 71,6% dân số, trong đó giới trẻ chiếm số lượng không nhỏ. Việc mạnh tay xử lý các ngôi sao - những người có tầm phủ sóng rộng rãi trên mạng xã hội – khi họ có những hành vi sai trái, thậm chí phạm tội và chấn chỉnh ngành giải trí đang “truyền các giá trị sai trái” cho giới trẻ của Trung Quốc cho thấy, nước này quyết không nương tay trước những hệ lụy khôn lường và tác hại ghê gớm của các hành vi lệch chuẩn từ những người có sức ảnh hưởng lớn tác động lên giới trẻ, cao hơn nữa là để bảo vệ “an ninh chính trị và ý thức hệ” trên không gian mạng, xây dựng môi trường và văn hóa mạng “tích cực, lành mạnh, hướng thiện” theo quan điểm của Trung Quốc.
Truyền thông vào cuộc mạnh mẽ
Sau hàng loạt các động thái của cơ quan quản lý, truyền thông Trung Quốc cũng nhanh chóng lên tiếng. Không chỉ Nhân dân Nhật báo, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV)..., trang web của cơ quan chống tham nhũng lớn nhất nước này cũng kịp thời đăng tải các bài bình luận về những vụ việc bị xử lý và các quy định mới của cơ quan chức năng.
Tờ Nhân dân Nhật báo khi bình luận về Trịnh Sảng bị phạt vì trốn thuế đã gọi đây là hành vi “gieo gió gặt bão”, cho rằng những “ngôi sao” như diễn viên này khi đã là người của công chúng, thì phải biết làm gương cho người khác noi theo. CCTV cũng răn đe, trước pháp luật, không thể cầu may… Đùa với lửa, đồng nghĩa với hủy hoại sự nghiệp và hình ảnh của chính mình.
Có thể nói, xã hội Trung Quốc đang có những có những thay đổi mạnh mẽ sau hàng loạt quyết định mà lãnh đạo nước này đưa ra thời gian qua, chấn chỉnh ngành giải trí cũng nằm trong chiến lược cải cách tổng thể ấy.
Có bài bình luận được các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải rộng rãi những ngày qua cho rằng, một sự thay đổi sâu sắc đang diễn ra trên các lĩnh vực từ kinh tế, tài chính, văn hóa đến chính trị, hay có thể nói là một cuộc “cách mạng sâu sắc” đang diễn ra ở Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với môi trường quốc tế ngày càng gay gắt và phức tạp.
Mỹ đang muốn phát động một cuộc “cách mạng màu” chống lại Trung Quốc từ bên trong. Trung Quốc không thể gục ngã trước khi bị kẻ thù tiến đánh như Liên Xô trước đây. Những thay đổi sâu sắc hiện đang diễn ra ở nước này chính là nhằm đối phó với tình hình quốc tế phức tạp và gay gắt ấy, cũng như sự tấn công dữ dội mà Mỹ phát động nhằm vào Trung Quốc.
Bích Thuận/VOV Bắc Kinh
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |