TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhấn mạnh, gắn liền giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam không thể không nhắc tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hơn 700 năm nơi đây đã tồn tại song hành, gắn bó chặt chẽ với nhau, là đỉnh cao và trở thành biểu tượng của nền giáo dục khoa cử Việt Nam. Cũng chính từ nơi này đã chứng kiến và lưu dấu chặng đường phát triển của giáo dục Đại Việt, từ giai đoạn đỉnh cao khi Nho học ở thời kỳ phát triển rực rỡ cho đến những ngày tường in dấu rêu phong, sân thưa bóng người trong thời suy vi của chế độ quân chủ…
Và ngày nay, trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là khu di tích lịch sử văn hóa, nơi quảng bá những giá trị văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế và là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về tinh thần tôn sư trọng đạo, hiếu học, hiếu nghĩa của cha ông ta. Cho dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn luôn lưu giữ trong mình tinh thần nhân văn, tinh thần học thuật, truyền thống hiếu học và niềm tự hào về một biểu tượng văn hiến và trí tuệ Việt Nam.
Hội thảo khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Giáo dục Nho học Việt Nam nhận được nhiều tham luận của các nhà khoa học, đại biểu đến từ nhiều trung tâm nghiên cứu. Các bài nghiên cứu tập trung tìm hiểu, đánh giá về Lịch sử giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam; Văn Miếu - Quốc Tử Giám với vai trò và vị thế của trường Quốc học; Truyền thống giáo dục khoa cử của các vùng văn hóa.
Các đại biểu, nhà khoa học đã thảo luận sôi nổi, nghiêm túc những kinh nghiệm của nền giáo dục khoa cử và gợi mở những ý kiến cho nền giáo dục hiện nay. Hội thảo đã tôn vinh tinh thần nhân văn, tinh thần học thuật, truyền thống hiếu học của dân tộc, niềm tự hào về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt Nam cũng như việc phát huy giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám đối với giáo dục Việt Nam hiện nay.
Theo baovanhoa.vn