Công chúng thưởng lãm nghệ thuật thư pháp tại triển lãm.
“Truyền kinh chính học” với ý nghĩa truyền thụ kinh điển (truyền kinh), được hiểu rộng ra là truyền tri thức, sách vở đến với mọi người và làm chính đại sự học (chính học) được hiểu làm cho sự học trở nên ngay chính. Vì vậy, chủ đề vừa có tinh thần hoài cổ, vừa có ý nghĩa hiện đại.
Triển lãm thư pháp “Truyền kinh chính học” giới thiệu đến công chúng 100 tác phẩm thư pháp của các thư pháp gia trên cơ sở nội dung là các trước tác thơ, văn của danh nhân Chu Văn An và 17 vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Đây là các học quan đứng đầu Quốc Tử Giám và đều là các bậc sĩ phu tài cao, đức trọng, được triều đình lựa chọn từ hàng ngũ các bậc danh nho, đại thần uy tín. Thơ, văn của họ thấm đẫm tình người, tình yêu quê hương, đất nước, là cơ sở để các tác giả phóng tác tác phẩm thư pháp trưng bày tại triển lãm.
Ngoài các tác phẩm thư pháp, triển lãm còn giới thiệu tới công chúng tóm tắt thân thế, sự nghiệp của Tư nghiệp Chu Văn An và 17 vị đã từng đảm nhiệm chức Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Tham gia triển lãm lần này có nhiều nhà thư pháp hội tụ từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước, ở cả hai loại hình thư pháp Hán Nôm và thư pháp Quốc ngữ. Đặc biệt, tham gia triển lãm có cả tác phẩm của thư pháp gia người Pháp, một người yêu nghệ thuật thư pháp Việt Nam.
Ngay lễ khai mạc, đông đảo người yêu nghệ thuật thư pháp và du khách đã thưởng lãm các bức thư pháp được trưng bày tại triển lãm. Trong đó ấn tượng là bộ thư pháp Tùng – Trúc của tác giả Trần Văn Sơn trích văn bia của Vũ Mộng Nguyên và thơ của Phùng Khắc Khoan; bộ Mai – Đào của tác giả Phạm Đình Ngọc trích thơ của Chu Văn An và Phùng Khắc Khoan; tác phẩm Tỉnh của tác giả Hồ Quang Anh viết thư pháp trên nền tranh là những chiếc lá sen khô, trích thơ của Nguyễn Thiên Túng hay tác phẩm Sắc không của tác giả Kiều Quốc Khánh, trích thơ của Trần Văn Trứ...
Thư pháp gia Phạm Văn Ánh, Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, với góc độ là nhà thư pháp, ông hào hứng với chủ đề của triển lãm thư pháp bởi nó có ý nghĩa sâu về văn hóa, giáo dục. Trong trường hợp xã hội có sự thay đổi về hệ hình văn tự như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam thì bên cạnh thư pháp chữ Hán người ta có thể nghiệm thư pháp bằng chữ thời hiện đại đang sử dụng. Đấy là một cách thể nghiệm đưa thư pháp đến gần hơn với công chúng đương đại bên cạnh thư pháp truyền thống vẫn tiếp tục duy trì và phát triển.
Triển lãm diễn ra đến ngày 23/12.
Tin, ảnh: Đinh Thuận (TTXVN)