Văn hóa

Vi phạm bản quyền - Câu chuyện chưa có hồi kết

06:59 - 22/09/2020
Việc xâm phạm bản quyền tác giả, tác phẩm trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình diễn biến phức tạp nhưng trong thời gian dài vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp, gây nhiều tổn thất cho chủ sở hữu bản quyền.

Poster phim "Dòng máu anh hùng"

Tổn thất kinh tế

Phim điện ảnh “Dòng máu anh hùng” lập kỉ lục bán vé khi ra mắt năm 2007, thu về 4 tỷ đồng chỉ trong 3 tuần đầu công chiếu. Tuy nhiên, ngay lập tức phim đã bị copy đưa lên mạng, gây tổn thất nghiêm trọng cho nhà sản xuất - diễn viên Chánh Tín.  

Ngay trong ngày ra mắt tháng 11/2017, bộ phim Cô Ba Sài Gòn đã bị livestream trái phép lên một trang mạng

Còn rất nhiều vụ việc tương tự.

Theo đạo diễn Bùi Tiến Dũng, Hãng Phim truyện Việt Nam, vi phạm bản quyền tác phẩm và quyền sáng tạo của nghệ sĩ ở Việt Nam xảy ra rất nhiều, đó là thách thức đối với các nhà quản lý mạng và các nhà làm luật pháp.

Ông Quản Văn Minh – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền Tác phẩm Điện ảnh và Phim Truyền hình Việt Nam chia sẻ: “Trên thực tế, việc xâm phạm bản quyền xảy ra rất nhiều, những người chuyên xâm phậm bản quyền và có tổ chức thường sẽ bị xử phạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng và mức phạt có tính chất răn đe, hoặc có thể đi tù từ 3 tháng đến 3 năm."

Hội Bảo vệ quyền Tác phẩm Điện ảnh và Phim Truyền hình Việt Nam

Một trong những lo ngại lớn nhất chính là tình trạng các nhà sản xuất tự bảo vệ mình bằng cách không đưa phim tới các rạp tại các địa phương để chiếu, bởi họ lo sợ tình trạng sao chếp để đưa lên mạng kiếm lời. Các trang xem phim lậu vi phạm bản quyền kiếm lời từ việc quảng cáo và thu phí. Chẳng hạn 1 ô quảng cáo lên tới 25 triệu đồng/1 tuần, 1 đoạn TVC trước khi chiếu phim ở mức gần 20.000 đồng cho 1.000 lượt xem. Theo Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông, những trang mạng có từ 70-80 triệu người xem/1 tháng có thể gây thiệt hại cho ngành sản xuất phim điện ảnh và truyền hình Việt Nam khoảng 23 tỷ đồng/năm. 

Một trang mạng đưa phim lên chiếu

Cần sự chung tay của các cơ quan chức năng

Tình trạng vi phạm bản quyền phim điện ảnh cũng như phim truyền hình hiện nay là vấn đề rất nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có biện pháp để ngăn chặn. Để tránh tình trạng diễn ra trầm trọng hơn, các bộ, ban, ngành cần có biện pháp mạnh tay hơn.

Ông Hoàng Minh Thái – Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ VHTT&DL cho biết, một trong những việc cần làm là sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin Truyền thông.

Ông Thái cho rằng, bên cạnh việc gây hại về nền kinh tế, cái quan trọng hơn là làm nản lòng những người sản xuất, những nhà làm phim... Lâu dần họ không còn sức sáng tạo nữa, không cho ra đời thêm được những tác phẩm hay, và cuối cùng những người thiệt thòi nhất chính là khán giả.

Ông Hoàng Minh Thái cho rằng, từ mô hình quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (Trung Tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam), có thể áp dụng đối với quyền tác phẩm điện ảnh.

Ông Thái chia sẻ: “Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã đi đầu về bảo vệ các tác phẩm cho tác giả, chính vì thế đã rút ra được những kinh nghiệm những cũng gặp không ít những khó khăn. Đối với một tác phẩm âm nhạc, để làm ra tác phẩm không chỉ có tác giả, nhạc sĩ mà cần có ca sĩ, phối khí... Để làm đúng chức năng, nhiệm vụ của hội này, quyền đầu tiên là chúng ta phải tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các tác giả. Thứ 2 là vận động 2 bộ có liên quan là Bộ VHTT&DL và Bộ Thông Tin Truyền Thông phối hợp với nhau, rà soát lại toàn bộ quy định xem còn thiếu gì. Thứ 3 là vận động các hội viên kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình. Hy vọng cả 3 biện pháp này sẽ được áp dụng đồng bộ mới có thể ngăn chặn việc xâm phạm bản quyền."

Vi phạm bản quyền, câu chuyện “khổ lắm, biết rồi, nói mãi". Nhà sản xuất kêu cứ kêu còn việc vi phạm bản quyền thì không hề chấm dứt. Những thiệt hại này là một phần nguyên nhân dẫn đến hậu quả kìm hãm sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà./.

Mời QVVCB theo dõi toàn bộ các cuộc trao đổi với các khách mời về chủ đề này trong chương trình Film+ tại đây.

PV