Hàng trăm mẫu áo dài được các công ty in vải đưa ra như thế này để chào bán một cách rộng rãi trên mạng xã hội. Sẽ không có gì đáng nói, nếu những bức tranh được in trên thân áo không được các họa sĩ nhận ra là đứa con tinh thần của mình.
Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho biết: "Bây giờ đang sống trong thời đại 4.0 rồi thì không thể làm theo một cách gọi là làng xã như vậy được. Và điều tôi muốn làm là cái gì cũng phải có sự minh bạch, rõ ràng."
Họa sĩ Nguyễn Hiển cho biết: "Vi phạm bản quyền này vô tình không chỉ làm hại đến các họa sĩ, mà còn làm hại đến những người đang ngày ngày lao động sáng tạo làm ra các sản phẩm mỹ thuật."
Nhiều bức tranh được in ghép khiên cưỡng lên tà áo dài
Mới đây, nhiều họa sĩ ở Hà Nội và Huế đồng loạt làm đơn tố cáo nhiều công ty áo dài đã sử dụng trái phép các tác phẩm tranh của họ, in bừa bãi lên mẫu áo dài. Không được xin phép sử dụng, không được trả tác quyền đã đành, họ còn đau xót khi thấy những đứa con tinh thần của mình bị cắt ghép thô thiển, khiên cưỡng lên tà áo dài.
Theo các họa sĩ, tranh có ngôn ngữ riêng của tranh, và áo dài cũng vậy. Việc sử dụng cắt ghép tranh và in lên vải áo dài là việc làm thiếu thẩm mỹ.
Một số mẫu áo dài in lại tranh vẽ của các họa sỹ
Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho biết: "Nếu như có một sự tư vấn, sự kết hợp giữa họa sĩ là tác giả bức tranh với người may áo dài, chắc chắn sẽ có sự hài hòa hơn, đạt được yếu tố thẩm mỹ tốt hơn.
Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên mạng internet hoặc vào trang cá nhân của các họa sĩ, sẽ dễ dàng tải các bức tranh về và tùy ý cắt ghép rồi in lên vải. Còn người tiêu dùng, họ cũng chẳng phân biệt được đâu là tranh có bản quyền hay không trên mỗi tấm vải, khi chọn lựa may một chiếc áo dài.
Vietnam Journey/ TTXVN