Văn hóa

Xem điện ảnh là một nền công nghiệp và xây dựng đội ngũ người làm điện ảnh chuyên nghiệp

17:11 - 28/04/2021
Sáng 28/4, tại TPHCM, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA), Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) chủ trì, phối hợp với Viện Ngôn ngữ - Quốc tế học (ILACS) thuộc Đại học Kinh tế TPHCM và Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số (VTV Digital) tổ chức Hội thảo quốc tế “Nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam – Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế”. Tham dự Hội thảo có các nhà làm phim, đạo diễn, nhà phê bình điện ảnh, văn học, các diễn giả trong và ngoài nước…

Xem điện ảnh là một nền công nghiệp và có kịch bản của riêng mình 

Phát biểu khai mạc, bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) cho biết đây là lần đầu tiên có một cuộc hội thảo trực tuyến quốc tế về điện ảnh Việt Nam. Sự tham gia trực tuyến của các nhà làm phim, nhà hoạt động điện ảnh của Hoa Kỳ và quốc tế tạo cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm và mở rộng hợp tác với các nhà làm phim Việt Nam. 

Hội thảo cũng giới thiệu môi trường làm phim ở Việt Nam, thế mạnh, khả năng thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam. Ngoài ra, Hội thảo còn đưa ra những vấn đề mang lại lợi ích cho điện ảnh Việt Nam và các nhà làm phim quốc tế như xây dựng năng lực sản xuất, cơ chế ưu đãi sản xuất để làm ra những bộ phim có tiếng vang trong và ngoài nước; tầm quan trọng của bản quyền và các giải pháp xử lý phim không có bản quyền, góp phần xây dựng nền công nghiệp điện ảnh phát triển, an toàn và bền vững.

Hội thảo với sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ nhiều nơi trên thế giới kết nối trực tuyến

"Từ trước đến nay ở Việt Nam thường quan niệm điện ảnh chỉ là một ngành nghệ thuật, chỉ là tác phẩm mà thôi. Chúng ta quan tâm đến điện ảnh và muốn phát triển thì phải quan tâm đầy đủ, có nghĩa điện ảnh là ngành kinh tế, là ngành công nghiệp. Và hội thảo hôm nay đi vào trọng tâm làm sao xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam vừa phát triển bền vững và hướng tới có sức cạnh tranh quốc tế", bà Lan nói.

Hội thảo quốc tế “Nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam – Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế” gồm 3 phần: Quan điểm các nhà làm phim, Tư duy toàn cầu và Bảo vệ thành quả. Nhiều nhà làm phim tham dự hội thảo đã chia sẻ những quan điểm về điện ảnh. 

Đạo diễn Phan Đăng Di đánh giá: Hiện nay điện ảnh Việt Nam chỉ quan tâm đến vấn đề lợi ích trước mắt nên thường đi mua kịch bản, làm lại phim. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng cần phải quan tâm đến yếu tố nội dung, kịch bản, cần tạo ra một đội ngũ viết kịch bản mới, có tâm huyết. Đồng quan điểm, đạo diễn Charlie Nguyễn  kỳ vọng Việt Nam cần phải có nhiều bộ phim của riêng mình chứ không phải đi làm lại các bộ phim khác, xây dựng đội ngũ viết kịch bản đam mê, giỏi nghề và học cách kể chuyện, diễn đạt xuất sắc của các nhà làm phim quốc tế.

Đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm

Đạo diễn Phan Đăng Di, cho biết: "Mình muốn làm phim cho quốc tế thì mình phải kể những câu chuyện "máu mủ ruột thịt", như là Bố Già. Mình phải kể câu chuyện của mình, không thể kể câu chuyện mà người ta đã kể, bởi người ta đã kể rồi mà mình kể lại thì có gì để người ta xem. Và mình phải học cách kể chuyện thật là tốt".

Chia sẻ từ Singapore, ông Nelson Mok, Giám đốc, cố vấn Film Group cho biết để phim Việt Nam thành công ở nước ngoài, trước hết phải thành công trong nước. Để làm được điều này thì cần phải có sự quảng bá, có thể thông qua truyền thông nước ngoài. 

Những thông tin về phòng chiếu ở Việt Nam cần xuất hiện để các nhà làm phim nước ngoài tiếp cận và hiểu được bầu không khí điện ảnh ở Việt Nam. Nhắc lại thành công của phim “Bố Già” mới đây không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Singapore, ông Nelson Mok tin tưởng điện ảnh Việt Nam sẽ thành công hơn nữa trên thị trường quốc tế trong tương lai.

Đạo diễn Charlie Nguyễn

Tại hội thảo, các đại biểu lo lắng về vấn đề bản quyền tại Việt Nam khi nhiều bộ phim trước khi công chiếu đã bị phát lậu trên nền tảng internet, có bộ phim bị độc giả vô tư livestream khi đang chiếu rạp nhưng mức phạt lại quá nhẹ. Từ đó đại biểu đánh giá việc phát lậu có tác động rất mạnh đến nền điện ảnh và cả kinh tế khi bị mất thuế. 

Hiện nay, có nhiều trang web phát lậu và liên tục đổi tên miền để vi phạm bản quyền, những trang này có lượt truy cập lên đến cả trăm triệu view mỗi tháng. Để các nhà làm phim an tâm, nhiều nhà làm phim đề nghị cần phải có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn vấn nạn trên.

Cần phải có đội ngũ người làm điện ảnh chuyên nghiệp

Chia sẻ bên lề Hội thảo, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang đi chặng đầu của nền công nghiệp điện ảnh. Muốn phát triển một nền điện ảnh thì trước hết cần hoàn thiện thể chế chính sách, trong đó Luật Điện ảnh đang xây dựng sẽ tạo hành lang pháp lý cho điện ảnh Việt Nam phát triển trong nước và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, việc hoàn thiện thể chế sẽ tạo điều kiện cho điện ảnh nước ngoài vào hợp tác với Việt Nam.

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ và các đại biểu dự hội thảo quốc tế. 

Mặt khác, các nhà làm phim Việt Nam cũng phải hội nhập, học tập kinh nghiệm của các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như Mỹ, các nước châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Do vậy, những vấn đề Hội thảo quốc tế này đặt ra là rất cần thiết. 

Theo đó, cần hiểu rõ bản chất của nền công nghiệp điện ảnh, đó là làm ra sản phẩm văn hoá điện ảnh, tiếp cận với khán giả trong và ngoài nước. Nhắc lại thành công của bộ phim “Bố Già”, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ cho rằng đây là bộ phim làm khá tốt các khâu từ kịch bản, diễn viên…, đặc biệt là minh chứng cho thành công của việc quảng bá, tiếp cận thị trường và đây là bài học bước đầu để nâng cao thực lực của nền điện ảnh nước nhà.

Đại biểu trao đổi bên lề hội thảo 

Trong bối cảnh khán giả có rất nhiều nền tảng để tiếp cận với điện ảnh trong và ngoài nước ngay tại nhà, cần phải quan tâm đến quảng bá để làm sao người khán giả phải ra rạp để cảm nhận tác phẩm đầy đủ, sinh động hơn… 

Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ cho rằng cần phải thay đổi tư duy của nhà làm phim, không phụ thuộc vào bao cấp mà khi làm ra tác phẩm phải tính đến việc có lãi, thậm chí là lãi nhiều: "Chúng ta phải xây dựng đội ngũ những người làm điện ảnh thật sự chuyên nghiệp, gồm tác giả, kịch bản, đạo diễn, quay phim, diễn viên, kể cả các nhà quản lý, phải có tư duy về phát triển công nghiệp điện ảnh. Tức là làm ra sản phẩm nhưng phải tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, phải làm sản phẩm bán được, nhưng đây là sản phẩm văn hoá chứ không phải là sản phẩm bình thường".

Hà Khánh/VOV TPHCM

Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV