Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng với khí hậu "mưa thuận gió hòa" quanh năm, tạo điều kiện cho cây lá tốt tươi, sông ngòi tràn đầy phù sa bồi đắp. Chính nhờ điều kiện như vậy đã hình thành nên nền ẩm thực miền Tây rất phong phú và đa dạng. Hầu như du khách, khi đến với miền Tây, ngoài mục đích tham quan còn là để thưởng thức những đặc sản và món ngon nổi tiếng của miền Tây. Ẩm thực miền Tây càng phong phú và đa dạng, hấp dẫn hơn trong mùa nước nổi.
Bánh xèo miền Tây
Bánh khọt
Mùa nước nổi ở miền Tây thường bắt đầu từ tháng 7 cho đến hết tháng 11 âm lịch. Lũ về, nước dâng cao mang theo cơ man nào là phù sa màu mỡ cùng một lượng lớn cá, tôm.
Cá heo kho tộ
Ẩm thực miền Tây vốn đã hấp dẫn và lôi cuốn khách du lịch bởi sự tinh tế trong cách chế biến, sự kết hợp của các nguyên liệu với nhau, tuy không phải là những cao sơn, mỹ vị, nhưng lại rất đậm đà, khó cưỡng.
Lẩu cá linh, bông điên điển
Sức hấp dẫn của ẩm thực miền Tây đến từ sự mộc mạc của các nguyên liệu. Đó là những sản vật gắn liền với cuộc sống đời thường của người dân như bông điên điển, lục bình, bông súng, cá linh, cá lóc, chuột đồng…
Cá lóc xào lục bình
Khẩu vị của người Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng cũng rất khác biệt so với các vùng miền khác. Trong từng món ăn riêng hay trong một bữa ăn đều có đầy đủ các vị chua cay, mặn ngọt.
Về miền Tây mùa nước nổi, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức những món ăn ngon như lẩu cá linh (cá linh chỉ xuất hiện trong mùa lũ), cá lóc nướng trui, gỏi sầu đâu cá sặc, bông điên điển tráng trứng, bông súng kho mắm, chuột đồng nướng lu…
Ẩm thực mùa nước nổi của người miền Tây phản ánh rõ nét mối quan hệ chặt chẽ giữa con người với thiên nhiên.
Cá lóc nướng trui
Người miền Tây đã biết tận dụng những nguồn sản vật dồi dào từ thiên nhiên sông nước ban tặng, chọn lọc, sáng tạo ra nhiều món ăn hấp dẫn. Chính những món ăn dân dã này đã góp phần hình thành nên các nét văn hóa ẩm thực riêng biệt, độc đáo của người miền Tây và trở thành điểm lôi cuốn đối với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Theo toquoc.vn