Bánh đúc rau câu được biết đến đầu tiên ở Thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Nguyên liệu duy nhất của món ăn này chính là rau câu.
Trên những bãi đá ở biển Cửa Tùng, người dân làng biển thường ra đây hái rau câu về làm bánh đúc – món quà quê dân dã vừa dễ làm vừa bổ dưỡng. Khi mùa hè đến là lúc rau câu bắt đầu mọc. Rau câu có thân lá rất nhỏ, thường mọc trên đá ở những nơi sóng cả, phải đợi thủy triều xuống mới hái được. Rau câu sau khi hái về được rửa sạch nhiều lần và lọc hết cát sạn, sau đó cho vào nồi nước đang sôi và ninh nhừ nhỏ lửa tới khi cô lại và có màu xanh đậm.
Khi còn nóng, bánh được múc ra từng bát nhỏ đã lót sẳn một lớp lá bai cho tới khi đông hẳn. Điều đặc biệt là loại bánh này không cho thêm bất cứ phụ gia hoặc gia vị nào, nên vẫn giữ được mùi vị tự nhiên của rong biển và hàm lượng dinh dưỡng chứa trong đó.
Bánh đúc rau câu được ăn kèm với đường hoặc ruốc. Bánh vừa làm xong lột lớp lá bai chấm với ruốc đã pha kèm tỏi, ớt, chanh; chỉ cắn một miếng, bạn sẽ cảm nhận được vị mát, vừa mềm mềm, vừa thơm thơm hương vị đặc trưng của rong biển.
Ngày nay, bánh đúc rau câu không chỉ đơn thuần là món quà quê, mà đã dần xuất hiện trên các bàn tiệc cưới hỏi, giỗ chạp, và trở thành món đặc sản ngon, bổ, rẻ của xứ biển. Hương vị mặn nồng của bánh đúc rau câu giản đơn thuần khiết như tấm lòng hồn hậu của người dân Quảng Trị – thứ hương vị mà mỗi người đi xa đều luôn nhớ về.
Hà Thu, theo Cổng TTDL Quảng Trị