Khó có thể tưởng tượng miếng da trâu thường dùng làm mặt trống cũng có thể ăn được. Thế nhưng ở Sơn La, đây là món đặc sản mà bạn không nên bỏ lỡ khi có dịp đến nơi này. Trâu sau khi lấy thịt, người ta không bỏ da đi mà chế biến thành nhiều món như da trâu muối chua, xử lý cho mềm để xào, nấu canh... nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến món nộm da trâu.
Mất khá nhiều thời gian và công sức để xử lý một miếng da trâu do bản chất dai và cứng. Theo truyền thống, da trâu được cắt thành từng miếng, mang phơi nắng cho se lại rồi chôn dưới hố sâu tầm 2 m trong vòng một tuần, khi nào có mùi thì bới lên, dội nước sôi, cạo sạch lớp lông, thịt và mỡ mặt trong cho đến khi da có màu trắng ngà là được.
Cách khác nhanh, gọn, ít công đoạn hơn là hơ da trên bếp lửa để loại bớt lớp lông dày cứng, rồi cạo thật kỹ phần vỏ đen bên ngoài, sau đó cho vào nồi luộc chín trong khoảng 1 tiếng hoặc đến khi nào bạn cảm thấy chúng sần sật, vừa ăn là được. Sau khi vớt ra, ngâm da trong nước lạnh trước khi thái thành miếng mỏng để ăn, đảm bảo độ giòn, dai.
Đơn giản nhất là trộn nộm da trâu với đậu phộng (lạc rang), rau húng cùng nhiều loại gia vị như nộm da lợn ở miền xuôi. Tuy nhiên, một đĩa nộm da trâu đúng vị của người Thái phải có măng chua cùng nhiều loại gia vị miền núi như quả trám rừng, hạt mắc khén, rau mùi ta, mùi tàu, rau thơm, lạc rang... Độ chua của món nộm là từ nước măng chua đặc trưng, khác hẳn khi bạn dùng chanh hoặc giấm nêm nếm.
Khi ăn, thực khách chỉ việc trộn lên rồi thưởng thức, đợi cho gia vị thấm vào da thì sẽ ngon hơn. Bạn có thể ăn kèm bánh tráng nướng, từ từ thưởng thức độ giòn sần sật, hơi có vị béo của da quyện với đủ loại gia vị. Mùi hăng của măng chua át đi mùi khó chịu của da trâu. Món ăn đơn giản nhưng mang đủ hương vị núi rừng Tây Bắc, gói gọn trong đĩa da trâu mà bạn khó có thể tìm thấy ở nơi khác. Bên cạnh đó, nộm da trâu mà nhậu chung với rượu trắng cay nồng thì hết sẩy.
Phạm Dương, theo ngoisao.net