Thịt lợn quay: Để có món lợn quay thơm ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn. Sau khi chọn được lợn ngon, người đầu bếp sẽ chế biến và tẩm ướp gia vị. Nguyên liệu tẩm ướp chính gồm lá mắc mật tươi, quả mắc mật, đậu phụ nhự...
Lợn quay Lạng Sơn được quay nguyên con với nhiều loại gia vị đặc trưng vùng Tây Bắc. Ảnh: T. L
Ngay cả mật ong để đánh màu cũng phải là loại tốt nhất, nếu không lợn quay khó có thể lên màu đều và đẹp. Lợn quay Lạng Sơn được quay nguyên con, có màu vàng ruộm. Khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt, giòn của da lợn, đặc biệt là mùi thơm không thể lẫn vào đâu được của quả và lá mắc mật.
Nem nướng Hữu Lũng: Để có được nem ngon cần chọn phần thịt lợn khoét vai không quá nạc cũng không quá mỡ, phải chọn lợn mới mổ, thịt hồng. Thịt mua về được thái sợi nhỏ, bì lợn cạo sạch lông, đem luộc chín. Sau đó trộn cả thịt và bì với bột thính và gói lại bằng lá chuối tươi.
Nem nướng Hữu Lũng được ăn với nước mắm chua cay tạo nên hương vị khó từ chối
Thịt khi lên men được nướng trên bếp than hồng cho cháy lá, tỏa ra hương thơm mời gọi. Khi ăn kẹp cùng với lá đinh lăng, lá sung chấm tương ớt. Vị chua, ngot, cay dịu tạo nên hương vị khó từ chối.
Phở chua: So với phở bò trứ danh Hà thành, phở chua Lạng Sơn cũng không kém phần cầu kỳ. Một bát phở chua truyền thống của xứ Lạng cần đến hơn chục loại nguyên liệu đặc biệt như khoai lang, gan lợn, dạ dày, thịt ba chỉ, xá xíu, bột chao, lạp xưởng… chưa kể các loại rau thơm, dưa chuột, lạc rang v.v…
Phở chua Lạng Sơn là dạng phở trộn với nhiều loại “topping” trên vùng cao
Với nguyên liệu đa dạng như vậy, phở chua hội tụ đầy đủ vị cay, ngọt man mát lại chua dịu thanh thanh.
Vịt quay lá mắc mật: Lâu nay, vịt quay mắc mật trở thành món ăn đặc sản xứ Lạng và du khách đến đây không quên thưởng thức món ăn này đầu tiên.
Thưởng thức vịt quay nướng lá mắc mật vào ngày se lạnh là tuyệt vời nhất
Vịt chín da căng bóng, tỏa mùi thơm ngậy của thịt vịt và lá mắc mật. Khi chặt vịt quay, người ta thường khéo léo chắt lại phần nước trong con vịt và trộn thêm các gia vị để chấm vịt thay cho xì dầu hay nước mắm thông thường.
Miếng thịt thơm ngào ngạt mang hương vị mắc mật, ngọt ngậy vị mật ong; từng lớp da, mỡ, thịt xen kẽ nhìn thôi đã thấy hấp dẫn. Du khách phương xa rời xứ Lạng chắc chắn sẽ mang theo trong chuyến hành trình của mình những hương vị thơm ngon, nồng nàn hương mắc mật từ món vịt quay đặc sắc.
Bánh Coóng Phù: Coóng phù vừa giống bánh trôi, vừa giống bánh trôi tàu.
Bánh Coóng Phù được làm như bánh trôi nhưng lại ăn kèm nước dùng của bánh trôi tàu
Giống bánh trôi ở phần bột nếp với những viên bột tròn nhỏ xinh, giống bánh trôi tàu ở phần nước đường nâu thơm lừng mùi gừng, lại có dừa, lạc ăn kèm.
Khâu nhục: Một món ăn không kém phần đặc sắc khác của xứ Lạng là thịt khâu nhục. Khâu nhục chính là món ăn độc đáo và được coi là sang trọng của đồng bào người Nùng nơi đây.
Khâu nhục là món ăn trứ danh của Lạng Sơn.Để làm được món ăn này, cần chọn thịt ba chỉ thớ dày ướp cùng các loại gia vị, tần ô. Khi hấp thêm khoai lang, lá tàu soi. Khâu nhục ăn kèm xôi, cơm hay bánh mì đều rất ngon.
Bánh áp chao: Đây là loại bánh với vỏ được chế biến từ gạo nếp và gạo tẻ giòn thơm như bánh rán và ẩn bên trong nhân bánh chính là vịt chao nổi tiếng của người Lạng Sơn.
Bánh áp chao thường được ăn vào mùa lạnh
Du khách dễ dàng tìm được món ăn này trên các đường phố ở Lạng Sơn, nhất là vào một buổi tối thu se lạnh, thưởng thức chiếc bánh nóng hổi, giòn thơm thật không gì thú vị bằng.
Bánh cuốn trứng: Khi đến với Lạng Sơn, bạn sẽ được thưởng thức món bánh cuốn trứng trứ danh. Cũng được tráng như bột gạo nước nhưng thay vì phần nhân thịt mộc nhĩ thì ở đây người ta lại đập một quả trứng vào giữa nồi hấp rồi đậy nắp vung cho trứng chín hơi, sau đó mới dùng que tre gấp bánh lại và cho ra đĩa.
Bánh cuốn trứng là món ăn sáng thường ngày của người dân Lạng Sơn
Bên trên dĩa bánh cuốn được rắc chút thịt băm chà nhuyễn có màu vàng nâu hấp dẫn. Nước chấm bánh cuốn có một chút thịt xay khô, thêm rau mùi với nước chấm mỡ hành. Đây cũng là nét đặc biệt của món bánh cuốn xứ Lạng.
Theo laodong.vn