Di tích Tam Thanh gồm có: Chùa và Động. Chùa Tam Thanh được xây dựng từ thời Lê, là một ngôi chùa khá đặc biệt vì chùa nằm trong động đá. Giải thích cho từ Tam Thanh, các nhà nghiên cứu cho rằng di tích nguyên là nơi thờ tự của Đạo Giáo, do vậy Tam Thanh tức là gồm 3 vị tối cao của Đạo Quán đó là: Ngọc Thanh - Thượng Thanh - Thái Thanh.
Lối vào Động Tam Thanh
Ngày nay, chùa thờ đạo Phật và Mẫu là chính. Trong chùa hiện còn lưu giữ được hệ thống tượng thờ khá phong phú và nhiều di vật quý. Đặc biệt chùa nổi tiếng với bức tượng phù điêu A Di Đà được tạc trên vách núi từ thế kỷ XVII (phía sau cung Tam Bảo) có giá trị về mặt niên đại và mỹ thuật cùng hệ thống văn bia ma nhai lưu lại các bút tích của cổ nhân ngợi ca cảnh đẹp nơi đây.
Ðộng Tam Thanh nằm trong một dãy núi có hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ xanh. Hang động Tam Thanh ở lưng chừng núi. Cửa hang nhìn về hướng đông cao chừng 8m có lối lên là 30 bậc đá đục vào sườn núi, có nhiều cây cối um tùm che khuất ánh nắng. Động có kết cấu mang hình kim tự tháp (gọi là Thủy tiên động, nơi các nàng tiên xuống tắm). Giữa động có hồ Âm ty nước trong xanh quanh năm không bao giờ vơi cạn cùng muôn hình vạn trạng nhũ đá lung linh huyền ảo, hệ thống sân khấu trong động, hang thông thiên, giếng trời đưa ánh sáng trực tiếp vào trong động… đã tạo cho cảnh sắc của động thêm sinh động và kỳ bí.
Lễ hội hàng năm của chùa Tam Thanh được diễn ra với nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn, thu hút rất đông du khách thập phương tới tham dự.
Theo Petrotimes