Hòn non bộ giữa không gian nhà tổ và chính điện chùa Vĩnh Tràng
Chùa Vĩnh Tràng – ngôi chùa cổ độc đáo của Tiền Giang
Chùa Vĩnh Tràng rất dễ tìm vì chùa nằm ngay con đường Nguyễn Trung Trực, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Mỗi ngày, chùa đón tiếp gần 1.000 khách tham quan, trong đó có khoảng 300 du khách nước ngoài. Ngoài danh hiệu “ngôi chùa lớn nhất Tiền Giang”, nơi đây còn có vô số những điều thú vị khác.
Chùa do ông bà Tri huyện Bùi Công Đạt xây dựng từ đầu thế kỷ 19. Ban đầu chùa chỉ là một thảo am để làm nơi tu tập những ngày về hưu của ông bà Tri huyện.
Tượng phật Di Lặc cao hơn 20 m
Năm 1894, hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) được mời về trụ trì. Về sau ông đã xây dựng lại ngôi chùa, tự mình gánh đất đắp nền với nhiều sự giúp đỡ của các đạo hữu. Cuối cùng nơi đây đã thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Trường. Dân gian thường gọi là chùa Vĩnh Tràng.
Năm 1895, chùa đã được Hòa thượng Quảng Ân – Chánh Hậu (đương kim trụ trì) tổ chức xây dựng lại.
Năm 1904, chùa bị ảnh hưởng bởi cơn lũ lịch sử nên hư hỏng nặng. Từ năm 1907 – 1911 là quãng thời gian chùa kêu gọi mọi người đóng góp công của để đại trùng tu ngôi chùa.
Chùa gây ấn tượng với du khách gần xa đầu tiên là bởi quy mô bề thế và kiến trúc cùng lối trang trí tinh xảo của nó. Bên ngoài chùa là khu khuôn viên với rất nhiều cây kiểng được cắt tỉa cẩn thận cùng một hồ nước tuyệt đẹp. Nhìn từ xa, nơi đây như một dinh thự của một vị quan ngày xưa.
Cổng tam quan với nghệ thuật ghép bằng mảnh sành, sứ qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân xưa đã xếp đặt thành nhiều bức tranh minh họa sự tích nhà Phật, truyện tích dân gian, đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá, mây trời… với sự hòa sắc tuyệt vời như tranh vẽ.
Kiến trúc cổ kính tại chùa Vĩnh Tràng
Chùa tọa lạc trên diện tích 14.000 m², dài 70 m, rộng 20 m, xây dựng bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1 m, xung quanh xây tường vững chắc. Đặt chân đến nơi đây, khách du lịch sẽ không khỏi ngạc nhiên khi cảm nhận được sự hài hòa Á – Âu hoàn hảo.
Mặt trước của tiền đường tạo cảm giác như đi lạc vào một ngôi chùa nước ngoài với những hàng cột thanh mảnh, vòm cong và hoa văn nhiều màu sắc. Chắc chắn đây là lần đầu tiên bạn chiêm ngưỡng những tiểu xảo kiến trúc độc đáo lạ mắt như: bộ phù điêu bát tiên cưỡi thú, vòm cửa kiểu La Mã, bông sắt của Pháp, gạch men của Nhật… Nói không ngoa thì chùa Vĩnh Tràng chẳng khác nào một bảo tàng kiến trúc thu nhỏ.
Chuẩn bị cho cúng quá đường của các sư thầy trong chùa
Nét đẹp châu Á là thứ người ta sẽ cảm nhận rõ hơn khi tiến vào bên trong. Tạo nên sự vững chãi của chùa là hệ thống các hoành phi, tượng gỗ được chạm khắc khéo léo, tinh xảo.
Song song bên các tượng phật được làm bằng gỗ quý, đá quý và đồng. Điểm nhấn của chùa chính là ba tượng phật Bồ tát cao hơn 24 m, Phật thích ca niết bàn dài gần 20 m và tượng Di Lặc ngồi cao gần 20 m.
Quan thế âm bồ tát
Ngày nay, cứ vào những ngày như mồng một, mười bốn, ngày rằm… chùa đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh về hành hương. Người dân đến đây không chỉ để ngắm một ngôi chùa rộng lớn, mà còn đến để gửi gắm những ước vọng bình an, trải lòng mình trong một không gian yên bình, an tịnh.
Năm 1984, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận ngôi chùa là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Chùa Vĩnh Tràng với nét đẹp kiến trúc độc đáo và giá trị tâm linh đang ngày càng chứng tỏ là một địa điểm du lịch không thể bỏ qua của Tiền Giang.
Theo nguoilambao.vn