Chùa Vĩnh Tràng tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ngôi chùa được biết đến như là một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Nam Bộ và là điểm tham quan hấp dẫn du khách khi tới thành phố bên sông Tiền. Ngôi chùa nằm trong một khuôn viên rộng 20.000m2. Từ ngoài, ngôi chùa đã gây ấn tượng bởi hai chiếc cổng lớn hai bên tả hữu. Hai cổng này được xây dựng kiểu cổ lầu cao hai tầng và có hai tầng mái, do các nghệ nhân xứ Huế thực hiện năm 1933. Trên cổng được trang trí tinh xảo nhiều điêu khắc như long – ly – quy – phượng, ngư – tiều – canh – mục… bằng nghệ thuật khảm sành sứ. Ở trên ô cửa giữa tầng 2 có đặt tượng Phật.
Bước qua cổng, qua một khoảng sân là tới ngôi chùa. Chùa Vĩnh Tràng có một lịch sử lâu đời. Ban đầu, chùa chỉ là một am nhỏ do ông Bùi Công Đạt - một vị quan dưới triều vua Minh Mạng nhà Nguyễn khởi dựng từ đầu thế kỷ XIX. Tới năm 1849, hòa thượng Thích Huệ Đăng trụ trì kiến tạo xây chùa thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Trường với ngụ ý ước cho chùa được "Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa". Người dân vùng lân cận đến nay vẫn quen gọi là chùa Vĩnh Tràng. Kiến trúc chùa là một tổ hợp khép kín theo kiểu chữ “Quốc”, gồm các nếp nhà nối liền nhau là tiền đường, chính điện, nhà Tổ và nhà hậu, có diện tích 1.400m2.
Chùa trải qua nhiều đời trụ trì và qua nhiều lần trùng tu, cải tạo. Mỗi lần trùng tu ngôi chùa lại có những thay đổi về kiến trúc. Trong đó, những lần trùng tu quan trọng là năm 1907 và 1930. Cho tới nay, chùa Vĩnh Tràng là một công trình đặc sắc, giao thoa nhiều phong cách kiến trúc, từ phương Tây cho tới phương Đông. Ở bên ngoài, có thể thấy công trình có dáng dấp của kiến trúc Hy Lạp, La Mã thời Phục Hưng, với những chi tiết trang trí mang âm hưởng kiến trúc Pháp, Hoa, Xiêm, Miên, Chăm, Khơ Me…
Ở bề mặt các diện tường bên ngoài, các chi tiết kiến trúc được thực hiện tỉ mỉ và vô cùng tinh xảo.
Nhưng bước vào trong, lại thấy rất rõ phong cách kiến trúc Việt với hình ảnh những ngôi nhà rường Nam Bộ. Cấu trúc của công trình là hệ khung gỗ truyền thống, mái lợp ngói âm dương, cùng với cách bài trí đậm chất dân tộc Việt. Phía trước chính điện có một hàng hiên rất rộng.
Chính điện là một không gian rộng lớn với những hàng cột được làm từ gỗ quý và những bao lam được chạm trổ công phu.
Gian giữa chính điện đặt tượng Phật Thích Ca bằng đồng. Đáng chú ý là hai cây cột cái ở gian giữa phía trước điện thờ được tạo tác thành “long trụ” - là cây cột có rồng cuốn xung quanh.
Trong chùa Vĩnh Tràng có trên 60 tượng Phật đúc bằng gỗ, đồng, đất nung, xi măng, đều mang phong cách điêu khắc Việt truyền thống. Trong đó có 3 pho tượng quý bằng đồng đúc từ giữa thế kỷ XIX. Hầu hết các pho tượng đều được thếp vàng óng ánh. Đặc biệt chùa còn có bộ tượng mười tám vị La Hán đúc từ đầu thế kỷ XX được đánh giá là không thua kém về mặt nghệ thuật so với tượng các vị La Hán chùa Tây Phương ở Hà Nội, nhưng quy mô nhỏ hơn.
Các nếp nhà được nối liên hoàn với nhau bằng các hành lang. Ở khoảng giữa là các sân trong, được bài trí non bộ, cây cảnh hài hòa với không gian và kiến trúc.
Trong khuôn viên của chùa còn có vườn tháp mộ - nơi chôn cất những hòa thượng đã tu hành và viên tịch ở chùa Vĩnh Tràng.
Bên cạnh những pho tượng đặc sắc trong chùa, trong khuôn viên và quần thể chùa Vĩnh Tràng có có những pho tượng đặt ngoài trời rất ấn tượng. Đó là tượng Phật Di Lặc cao 20m, nặng 250 tấn, được đúc bằng bê tông cốt thép. Công trình được khánh thành năm 2010, nằm bên mé phải chùa.
Phía sau chùa là tượng Phật Thích Ca trong tư thế nhập niết bàn có chiều dài 32m, nặng 250 tấn bằng bê tông cốt thép, được khánh thành năm 2013.
Tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá dưới gốc cây bồ đề trong sân phía trước chùa.
Tượng Phật A Di Đà đứng phía trước chùa, bên kia đường. Công trình điêu khắc này cao 24m, chế ngự một không gian rộng lớn, được khánh thành năm 2008. Năm 1984, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận ngôi chùa Vĩnh Tràng - Tiền Giang là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Năm 2007, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục chùa Vĩnh Tràng là “Ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam có phong cách kiến trúc kết hợp giữa phương Đông và phương Tây”./.
Theo VOV.VN