Ông Võ Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Việt Phong tại thị trấn Cái Bè – một đơn vị có 7 tàu vận chuyển khách ra vào khu làng cổ Đông Hòa Hiệp cho biết, từ khi bùng phát dịch Covid-19, số khách đến tham quan thưa dần. Từ tháng 3 năm ngoái đến nay, doanh nghiệp này không hoạt động. Trong khi đó, nguồn kinh phí vay ngân hàng để đóng tàu du lịch không khả năng chi trả đành phải bán hết các phương tiện này, chuyển sang nghề khác.
Ông Phong tâm tư: “Bây giờ nguồn khách không có, nhưng lúc trước đã vay vốn đóng tàu, giờ này không đủ khả năng chi trả ngân hàng nên phải bán tàu. Mấy em lái tàu thất nghiệp nộp hồ sơ vô xã Đông Hòa Hiệp, xã Tân Phong 2 -3 lần nhưng chưa giải quyết. Đến thời điểm này chưa được tiền gì hết ”.
Làng cổ Đông Hòa Hiệp nằm trên địa bàn xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang với 4 điểm tham quan, nghỉ dưỡng gồm: "Khu nhà cổ và các làng nghề truyền thống; trong đó có 7 căn nhà cổ trên 100 năm tuổi. Làng cổ Đông Hòa Hiệp đã được công nhận di tích cấp quốc gia và đây là một trong 3 làng cổ của Việt Nam được Tổng Cục du lịch và Tổ chức hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JAICA) chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn.
Trước đây, mỗi ngày có trên dưới 2000 khách trong và ngoài nước đến tham quan. Song từ ngày có dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, lượng du khách vắng dần và nhiều tháng qua làng cổ Đông Hòa Hiệp luôn vắng khách".
Ông Phan Quang Vinh, chủ nhà cổ Ba Đức tại xã Đông Hòa Hiệp chia sẻ: “ Tình hình dịch bệnh thì mấy nhà cổ đóng cửa suốt do không có khách. Bây giờ hiện tại bên mình có sản xuất sản phẩm bánh phồng tôm. Mình sẽ hoạt sản phẩm đó, hiện nay mình bán toàn quốc, nơi nào không có dịch bệnh thì mình đi bán, đợi Covid-19 lắng xuống mình phục hồi khách, phải cần chi phí khá cao”.
Hoạt động du lịch khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa lắng dịu là tình hình chung của ngành du lịch ở nước ta. Đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhất là các nhân viên phục vụ du lịch ở làng cổ Đông Hòa Hiệp rất cần sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền và các ngành chức năng địa phương. Đến thời điểm này, nhiều trường hợp phục vụ du lịch ở nơi đây bị thất nghiệp chưa được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.
Ông Võ Minh Nhựt, Chủ tịch UBND xã Đông Hòa Hiệp cho biết trong thời gian dài, làng cổ Đông Hòa Hiệp vắng khách. Người làm du lịch gặp khó khăn trong cuộc sống, cần được sự quan tâm hỗ trợ từ cấp trên: "Từ ngày dịch Covid-19 đến nay, nói chung tình hình hoạt động các nhà cổ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, hầu như không có khách, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, kinh tế hộ gia đình rất nhiều. Ở các nhà cổ gặp khó khăn, đặc biệt du lịch cộng đồng ở làng cổ, làng nghề ấp An Ninh - An Hòa… chủ yếu phục vụ du lịch khách nước ngoài nhưng hiện nay vắng bóng, không có người”.
Trong khi dịch bệnh Covid-19 chưa lắng dịu, ngoài sự tự thân nỗ lực, vươn lên của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh du lịch nơi đây, cần sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của chính quyền và các ngành chức năng địa phương, nhất là giải quyết các cơ chế, chính sách; hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi… Có như thế hoạt động du lịch của làng cổ Đông Hòa Hiệp, tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang mới có thể duy trì và hoạt động trở lại trong thời gian tới.
Nhật Trường / VOV ĐBSCL