Chùa Bổ Đà (Ảnh: Internet)
Chùa Bổ Đà còn gọi là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự. Quần thể chùa Bổ Đà gồm nhiều di tích: Chùa cổ Bổ Đà Sơn, chùa chính Tứ Ân Tự, Am Tam Đức (xây dựng sau, vào thời Hậu Lê). Ngoài ra, trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Đức Thánh Hóa (tức Thạch Tướng Đại Vương – có công giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc ngoại xâm).
Theo thời gian, chùa được mở rộng kiến trúc gồm gần một trăm gian với các vật liệu như gạch nung, ngói, tiểu sành, đất... Một nét độc đáo trong kiến trúc Chùa Bổ Đà là những bức tường được làm theo phương pháp trình tường (nguyên liệu chính làm bằng đất). Trải qua hàng trăm năm, vẻ đẹp đã nhuốm màu rêu phong của những bức tường cổ xưa càng tô điểm cho không gian đầy huyền bí và linh thiêng chốn cổ tự.
Chùa Bổ Đà hiện giữ 2 kỷ lục của Phật giáo: Chùa có vườn tháp lớn nhất Việt Nam và Bộ mộc bản ván in kinh Phật cổ nhất Việt Nam. Vườn tháp chùa Bổ Đà có hơn 100 ngôi bảo tháp lớn nhỏ, lưu giữ xá lợi, tro của hơn 1.200 nhà sư tu hành qua nhiều thời kỳ. Tại chùa Bổ Đà cũng lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý hiếm, ngoài hệ thống Phật theo thiền phái Trúc Lâm còn có văn khắc, thư tịch cổ, đại tự, câu đối, hương án... Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ bộ Kinh Phật cổ nhất Việt Nam (khoảng 300 năm) được khắc trên 2.000 tấm gỗ thị vẫn còn nguyên vẹn.
Vườn tháp chùa Bổ Đà có hơn 100 ngôi bảo tháp lớn nhỏ (Ảnh: Internet)
Gắn với ngôi chùa cổ kính này là Lễ hội chùa Bổ Đà diễn ra từ ngày 15 - 18 tháng 2 âm lịch hàng năm. Hoạt động đặc sắc diễn ra trong lễ hội chùa Bổ Đà là chương trình hát quan họ giao duyên giữa liền anh, liền chị đến từ các thôn làng trong vùng.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, chùa Bổ Đà ngày càng thu hút đông đảo tăng ni phật tử và du khách bốn phương vào dịp đầu năm và cuối năm. Năm 2017, Chùa Bổ Đà được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, gần đây nhất, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định công nhận điểm du lịch Chùa Bổ Đà.