Đất đai thường xuyên được phù sa bồi đắp nên rất màu mỡ, nhưng vì ở ngay cửa biển nên đồng ruộng ở Sóc Trăng cũng phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn mỗi khi nước sông giảm xuống và nước biển tràn vào.
Điều kiện thổ nhưỡng tạo cho Sóc Trăng thế mạnh về nông nghiệp, trồng lúa và cây ăn trái lâu năm. Mọi sinh hoạt của người dân, cũng như hoạt động sản xuất đều chịu tác động của chế độ thủy triều lên xuống trên hệ thống sông ngòi chằng chịt, hình thành nhiều hoạt động phong phú cả về nông nghiệp, thủy hải sản và du lịch .
Là nơi pha trộn nhiều nét văn hóa của người Việt, Hoa, Khmer và người Chăm bản địa, Sóc Trăng có một nền văn hóa đặc sắc và đa dạng, thể hiện qua mọi mặt đời sống hàng ngày, cho tới tín ngưỡng tôn giáo, ẩm thực và lễ hội.
Sóc Trăng là vùng đất của những ngôi chùa
Tại Sóc Trăng có tới hơn 200 ngôi chùa của cả ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Nổi tiếng thì phải kể đến Chùa Dơi (chùa Mã Tộc, Mahatup), Chùa Đất Sét (Bửu Sơn tự), Chùa Kh'leang, chùa Chén Kiểu (chùa Salon), chùa La Hán, chùa Bốn Mặt (chùa Barai), chùa Phật Học, Chùa Khánh Sơn, chùa Hương Sơn, chùa Đại Giác... cùng nhiều đền thờ, đình, miếu, nhà thờ,...
Sự hòa trộn văn hóa còn được thể hiện qua rất nhiều lễ hội ở Sóc Trăng như Lễ hội Óc Om Bóc - đua ghe ngo, lễ hộ Sen Đolta, lễ hội Chol Chnan Thmay - đón năm mới, lễ thanh minh, lễ thí vàng hay lễ kỳ yên.
Đất màu mỡ, thiên nhiên trong lành là điều kiện thuận lợi để Sóc Trăng phát triển nông, ngư nghiệp đa dạng và trên cơ sở đó hình thành những khu du lịch sinh thái phong phú. Đặc biệt, Sóc Trăng còn có dải cù lao thuộc huyện Kế Sách, Long Phú và Cù Lao Dung chạy dài ra tận cửa biển với nhiều cây trái nhiệt đới, không khí trong lành,.. là địa điểm lý tưởng để phát triển loại hình du lịch sinh thái.
Ẩm thực của Sóc Trăng cũng rất đa dạng, nổi tiếng là bánh Pía, lạp xưởng, bánh phồng tôm, bánh dứa, cốm dẹp, bò nướng ngói ,..